Enter Title
Du lịch Điện Bàn

Điện Bàn có vị trí rất thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Du lịch nói riêng. Nơi đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi vừa có biển xanh, vừa có sông Thu Bồn thơ mộng, thiên nhiên thanh bình yên ả. Có đặc sản Bê thui Cầu Mống được công nhận kỷ lục quốc gia và Mỳ Quảng Phú Triêm nổi tiếng, được xác lập kỷ lục ẩm thực Châu Á. Điện Bàn là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” nơi khai sinh chữ quốc ngữ, Dinh trấn Thanh Chiêm; là nơi có làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều...  Hiện nay, cơ sở hạ tầng của Điện Bàn từng bước hoàn thiện và được sự quan tâm rất lớn từ chính quyền địa phương để tập trung phát triển du lịch - dịch vụ góp phần xây dựng Điện Bàn thành thị xã vào năm 2015.

Với 8 km bờ biển, vùng ven biển Điện Bàn đang từng ngày thay đổi kể từ khi có quy hoạch định hướng phát triển du lịch và dân cư ven biển từ Điện Bàn đến Hội An. Các dự án du lịch đi vào hoạt động như Khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao The Nam Hải với 152 phòng, Le Belhamy Resort & Spa với 131 phòng, Sân Golf Mongomerie Links 18 lỗ, Khu nghỉ mát cao cấp Bồng Lai .... thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến ngày càng đông, giải quyết công ăn việc làm cho một số lớn lao động tại địa phương. Nhiều dự án du lịch đang được triển khai đầu tư xây dựng. Khu bãi tắm Hà My - Điện Dương đang được hoàn chỉnh và quy hoạch khu bãi tắm Viêm Đông - Điện Ngọc, khu làng chài Hà Quảng... góp phần làm thay đổi diện mạo vùng cát Điện Bàn.

Du lịch tham quan làng nghề truyền thống là thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng làng nghề của thị xã. Năm 2011, quy hoạch và xúc tiến xây dựng cụm du lịch làng nghề, tiểu thủ công nghiệp Đông Khương, xã Điện Phương được tiến hành, là nơi quy tụ các làng nghề truyền thống, ngành nghề mới trên địa bàn thị xã. Nơi đây sẽ là điểm dừng chân của du khách trong hành trình di sản Hội An - Mỹ Sơn cả đường bộ lẫn đường thuỷ theo sông Thu Bồn. Kết nối với cụm làng nghề Đông Khương là làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều nổi tiếng, nơi được tôn vinh làng nghề tiêu biểu của Việt Nam. Hơn 400 năm qua, sản phẩm cồng chiêng truyền thống của những người thợ tài hoa làng đúc đồng Phước Kiều đã góp phần làm nên không gian cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Mỗi khi về với Điện Bàn, du khách đều tìm đến Điện Phương để tận mắt xem các nghệ nhân làng đúc trình diễn các thao tác sản xuất thủ công và mua sắm các sản phẩm lưu niệm của làng đúc, gốm nghệ thuật Lê Đức Hạ hay hàng thủ công mỹ nghệ chạm khảm gỗ Nguyễn Văn Tiếp và thưởng thức món ăn đặc sản Mỳ Quảng Phú Triêm , Bê thui Cầu Mống...  Điện Phương còn là nơi sở hữu những cảnh vật thiên nhiên yên bình thơ mộng, sông nước hữu tình tạo hình nên những đảo nổi rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái sông nước.  Làng Triêm Tây bên bờ Nam sông Thu, nơi có làng nghề truyền thống dệt chiếu đã hình thành khu du lịch du lịch Nhà vườn. Đến nơi đây, du khách có thể đi tthị xã dọc sông Thu để ngắm nhìn khung cảnh làng mạc yên bình, tận hưởng không khí trong lành tại Khu du lịch Nhà vườn Triêm Tây hay cùng với người dân đan lát, dệt chiếu ở làng nghề truyền thống chiếu chẽ thủ công này.

Loại hình du lịch tham quan nghiên cứu văn hoá lịch sử ở Điện Bàn cũng rất đa dạng phong phú. Vùng đất Điện Bàn có lịch sử hình thành từ xa xưa, có chứng tích lịch sử Tháp Bằng An, là công trình kiến trúc đặc biệt, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, theo dạng Linga hình bát giác duy nhất ở Việt Nam còn khá nguyên vẹn. Thủ phủ của xứ Đàng Trong - dinh trấn Thanh Chiêm được chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây dựng tại vùng đất này hơn 400 năm qua. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Dinh trấn Thanh Chiêm là nơi chữ Quốc ngữ ra đời, đánh dấu một thời kỳ mới cho chữ viết của dân tộc Việt. Vùng đất địa linh nhân kiệt Điện Bàn đã sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Phan Thanh.... Trong hai cuộc kháng chiến lại có thêm nhiều anh hùng, chiến sĩ ưu tú như Người con gái Việt Nam anh hùng Trần Thị Lý, AHLS Nguyễn Văn Trỗi... cùng bao Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, tiêu biểu cả nước là Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ...

Bảo tồn và phát huy truyền thống quê hương, Điện Bàn đã và đang tôn tạo các di tích, các nhà lưu niệm thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Nơi đây cũng sẽ trở thành điểm tham quan du lịch tìm hiểu lịch sử hào hùng của người Điện Bàn trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, Bảo tàng Điện bàn được trùng tu xây dựng khang trang, là nơi trưng bày các chứng tích của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn. Bảo tàng còn có nhiều hiện vật gốc và quý như các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa,  là nơi trưng bày bộ đèn cổ với hơn 500 hiện vật. Hướng phát triển của bảo tàng là xây dựng thành trung tâm lịch sử, văn hóa, cách mạng của thị xã và là điểm đến đầu tiên hấp dẫn của du khách khi đến với Điện Bàn. Kết nối Bảo tàng Điện Bàn và Không gian nhà Việt VinaHouse vừa được khai trương trong tháng 6/2013, du khách chắn chắn sẽ có được những cảm nhận thú vị, hấp dẫn về vùng đất và con người Điện Bàn.

Các Lễ hội ở Điện Bàn gắn liền với phong tục tập quán, tín ngưỡng địa phương và được tổ chức hằng năm như: lễ hội Thanh Minh - Điện Quang thường tổ chức vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch theo tiết Thanh Minh. Lễ hội Cầu Ngư thường được tổ chức vào tháng 2 âm lịch - là lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam của ngư dân vùng biển bãi ngang Điện Dương. Lễ giỗ tổ nghề đúc đồng Phước Kiều được tổ chức và ngày 12 tháng giêng âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị tổ nghề. Lễ hội Cầu Yên đình làng Đông Bàn xã Điện Trung, Lễ hội Tịch điền Đình làng Diệm Sơn xã Điện Tiến... là những hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, tạo tiền đề để phát triển Du lịch.

 Du lịch sinh thái sông nước cũng là thế mạnh của Điện Bàn, với hệ thống sông ngòi dày đặc đã hình thành nên các làng mạc ven sông trù phú xanh mát. Khu du lịch Nhà vườn Triêm Tây - Điện Phương đã tận dụng được lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho vị trí này. Rừng thông Caribê xanh mát tại đồi Bồ Bồ xã Điện Tiến được trồng từ hơn 20 năm qua, rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch cắm trại, dã ngoại của thanh niên, học sinh, qua đó tìm hiểu về địa danh lịch sử này. Về với vùng bồi lấp dọc sông Cổ Cò tại Điện Dương, du khách được hoà mình vào thiên nhiên cỏ cây hoa lá tại Khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia, được nghỉ ngơi hay câu cá thư giãn...

Tiềm năng và thế mạnh của Du lịch Điện Bàn vốn có, nhưng để ngành Du lịch vận hành ngày thông suốt vẫn đang cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là sự đầu tư, hợp tác của các tổ chức, cá nhân để ngành du lịch Điện Bàn thực sự trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Điện Bàn trong tiến trình phát triển thành đô thị.



  
 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập