|
Nhà cổ Phùng Hưng mỗi năm được chia sẻ nguồn lợi từ bán vé hàng trăm triệu đồng Ảnh: V.L
|
Sự khác biệt
Câu chuyện một số hộ dân làng Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước) thờ ơ khi khách đến tham quan nhà cổ trong chuyến khảo sát du lịch Tiên Phước mới đây của đoàn famtrip (Sở VH-TT&DL tổ chức) khiến nhiều người thắc mắc, dường như việc phải tiếp khách, hướng dẫn thăm nhà vườn là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, sẽ thông cảm hơn nếu biết rằng từ nhiều năm qua người dân trong làng đã nhiệt tình đón hàng chục đoàn tương tự đến khảo sát, nghiên cứu, tham quan… nhưng rồi lại thôi. “Du lịch đâu không thấy, chỉ thấy phiền phức thêm”- một chủ nhân nhà cổ làng Lộc Yên ta thán. Hoặc, cho đã là công dân của vùng đất du lịch nhiều năm nay, người dân Mỹ Sơn vẫn gắn với ruộng đồng, những lúc nông nhàn thì vào rừng bứt đót, chăn trâu, lượm củi, con em một số hộ dân trong làng tốt nghiệp ra trường cũng khó có cơ hội được vào làm việc tại khu du lịch. “Ngoài số tiền 5% trích lại từ nguồn thu của Ban quản lý Du lịch và di tích Mỹ Sơn sau khi nộp ngân sách nhà nước (năm 2013 là 450 triệu đồng) để địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng thì hầu như không còn gì, kể cả việc giải quyết công ăn việc làm cho con em địa phương cũng ít”- ông Trần Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú cho biết.
Khi cộng đồng chưa thấy lợi ích từ du lịch mang lại rất khó đòi hỏi người dân nhiệt tình xây dựng hình ảnh điểm đến. Hội An là một điển hình ngược lại. Thông qua các chủ trương, chính sách thiết thực của thành phố, nhiều chủ di tích trong phố cổ đã được chia sẻ lợi ích rất lớn từ nguồn thu vé tham quan. Đến nay, chính sách này đã được mở rộng ra các điểm du lịch khác như Cù Lao Chàm, làng nghề và các điểm du lịch vùng ven thành phố, kết quả mang lại rất tích cực. Chính cách làm này đã tạo nên sự khác biệt giữa Hội An và những điểm du lịch khác không chỉ ở Quảng Nam mà còn so với nhiều nơi trong cả nước. Trong đó, việc chia sẻ lợi ích từ nguồn thu vé tham quan cho chủ di tích là chính sách nổi trội nhất, góp phần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả bảo tồn nhiều di tích nhà cổ Hội An trong những năm qua.
Giàu lên từ du lịch
Nhiều người dân ở phố cổ còn giàu lên thông qua các hoạt động kinh doanh thương mại phục vụ du lịch. Hưởng lợi từ di tích thuộc chủ sở hữu của mình là điều không phải nơi nào cũng làm được. Theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin TP.Hội An, hiện trong khu vực phố cổ có tổng cộng 23 điểm di tích được tổ chức bán vé tham quan gồm 9 di tích thuộc sở hữu cá nhân và 14 di tích thuộc sở hữu tập thể (Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An quản lý). Tùy theo giá trị từng di tích và thời điểm mở cửa tham quan mà chủ di tích có thể được trích lại số tiền phần trăm tương ứng cho mỗi lần khách vào. “Khi có khách đến tham quan, chủ di tích sẽ cắt một ô trong vé, cuối tháng mang lên trung tâm sẽ được thanh toán lại”- ông Phùng giải thích. Với số tiền trích lại dao động khoảng từ 2.600 - 4.300 đồng mỗi ô vé nhiều chủ di tích đã có thể thu được trên dưới 100 triệu đồng mỗi tháng. Chỉ tính riêng trong tháng 3.2014 các điểm di tích nhà cổ Phùng Hưng; nhà cổ Tấn Ký; Hội quán Quảng Đông đã thu được số tiền lần lượt là 92 triệu đồng, 128 triệu đồng và 147 triệu đồng.
Ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, chủ trương chia sẻ nguồn lợi từ vé tham quan đã được triển khai gần 20 năm qua (1995) và rất được người dân ủng hộ. Ban đầu chỉ áp dụng với một số ngôi nhà đã được công nhận di tích lịch sử sau đó vận động thêm một số nhà khác như số 9 và 23 Nguyễn Thái Học. Sắp tới thành phố sẽ tiếp tục vận động thêm một số điểm di tích thuộc sở hữu tập thể để đưa vào tham quan như chùa Ông, Chùa Cầu, Bảo tàng gốm sứ, nhà thờ Nguyễn Tường…. “Cũng có nhiều di tích nhà cổ rất đẹp nhưng không thể vận động người dân tham gia được vì năng lực đón khách của chủ nhà hạn chế”- ông Bay nói. Từ nguồn thu từ du lịch đã tạo điều kiện quan trọng để chính quyền thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ kinh phí trùng tu cho nhiều chủ nhân nhà cổ với số tiền 45 - 65% tổng nguồn vốn tùy theo vị trí nhà trong hẻm hay ngoài đường chính.
Không phủ nhận du lịch phát triển sẽ góp phần thay đổi đời sống kinh tế xã hội địa phương. Từ câu chuyện của làng Lộc Yên, Mỹ Sơn và Hội An, dù có những khác biệt và so sánh khập khiễng nhưng đều có điểm chung là cần có chính sách của địa phương để giúp người dân nhận biết được những giá trị to lớn mà du lịch mang lại.