Chi tiết tin tức
Xây dựng sản phẩm du lịch mới: Những "tín hiệu" tích cực
Người đăng: Phòng văn hóa thông tin huyện Điện Bàn .Ngày đăng: 30/12/2013 .Lượt xem: 1405 lượt.
Năm 2013 được Sở VH-TT&DL chọn làm năm Phát triển sản phẩm du lịch mới với 13 điểm đến, trải dài từ đồng bằng lên miền núi... Qua một năm triển khai, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn không ít hạn chế cần hoàn thiện như cơ sở hạ tầng, dịch vụ, quảng bá, kết nối doanh nghiệp...

Hiệu quả bước đầu

Những sản phẩm mới được đưa vào khai thác năm 2013, gồm: Tắm khoáng hồ Phú Ninh, Không gian nhà Việt Nam - Vinahouse, Khu du lịch nhà vườn sinh thái Triêm Tây, Bảo tàng Điện Bàn, Làng du lịch cộng đồng sinh thái Trà Nhiêu (Duy Xuyên), Tái hiện 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh (Nam Giang), Tham quan hang yến Cù Lao Chàm, Du lịch cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An), Làng dệt Zara và 3 làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, Bhơ Hôồng, Đhờ Rồng (Đông Giang). Riêng bãi tắm Hạ Thanh (Tam Kỳ) chưa thể triển khai do vướng giải phóng mặt bằng.

Không gian nhà Việt Nam – Vinahouse Space

Qua các điểm đến, dễ dàng nhận thấy các sản phẩm du lịch cộng đồng đang dần phát huy hiệu quả. Riêng tại Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, từ khi khai trương (tháng 6) đến tháng 12.2013 đã đón hơn 700 lượt khách tham quan, trong đó có gần 380 lượt khách lưu trú, doanh thu mang lại cho làng hơn 110 triệu đồng. Du khách đến đây ngoài chiêm ngưỡng cảnh sắc núi rừng còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơ Tu như ẩm thực hay các ngành nghề truyền thống. Đặc biệt, thông qua việc cung cấp các dịch vụ lưu trú, hướng dẫn, ăn uống, bán hàng lưu niệm… người dân đã bắt đầu được hưởng lợi từ những sản phẩm văn hóa của mình.

Theo ông Bloó - Trưởng ban Quản lý làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, dự án không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn giúp đồng bào bảo tồn tốt bản sắc văn hóa dân tộc. Từ khi triển khai đã có 6 nhóm dịch vụ được thành lập gồm ẩm thực, đan lát, homestay, hướng dẫn, cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống, khi có đơn đặt hàng tất cả các nhóm sẽ cùng bắt tay vào phục vụ. “Sau khi trích lại 10% cho làng để làm quỹ hỗ trợ các gia đình đau ốm, khó khăn mỗi người trong nhóm được chia số tiền từ các dịch vụ khách chi trả” - ông  Bloó cho biết.

Vừa phát triển, vừa hoàn thiện

Tháng 11.2013, Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức chương trình Quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch mới tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 150 đại diện đến từ các công ty lữ hành, cơ quan thông tấn, báo chí. Nhiều sản phẩm du lịch mới đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành tại hai đầu đất nước, nhất là 3 sản phẩm làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn và Đông Giang. Chương trình mở ra cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu trao đổi thông tin về các sản phẩm du lịch cũng như liên kết hợp tác đưa khách đến tham quan trong thời gian tới.

Không phải đến bây giờ việc phát triển sản phẩm du lịch mới được quan tâm mà đây là công việc được ngành du lịch tiến hành liên tục. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Những năm trước sở vẫn thường xuyên xây dựng các sản phẩm du lịch nhưng chỉ mang tính đơn lẻ, việc khai trương các sản phẩm du lịch mới trong dịp Festival 2013 vừa qua là nhằm mục đích tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và địa phương nhằm thúc đẩy sản phẩm sớm hoàn thiện đưa vào khai thác”. Thực tế cho thấy, ngoài những sản phẩm du lịch cộng đồng đang bắt đầu phát huy hiệu quả, các sản phẩm khác như Không gian nhà Việt Nam - Vinahouse; Bảo tàng Điện Bàn hay Tái hiện 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh… vẫn chưa nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp lữ hành. Theo ông Đinh Hài, để một sản phẩm du lịch “sống” được, ngoài sự ủng hộ của doanh nghiệp còn cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch phát triển, kêu gọi đầu tư, liên kết doanh nghiệp du lịch đưa khách đến... “Trong năm 2014, sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện bộ máy quản lý và nâng cấp chất lượng hạ tầng tại một số sản phẩm du lịch, từng bước đáp ứng yêu cầu tham quan của du khách” - ông Đinh Hài nói.

Xây dựng sản phẩm du lịch mới là công việc thường xuyên của ngành du lịch để du khách có nhiều lựa chọn khi đến với Quảng Nam. Dù một số sản phẩm vẫn chưa phát huy hết tiềm năng nhưng không thể phủ nhận những thành công bước đầu của không ít sản phẩm du lịch mới 2013, nhất là các sản phẩm du lịch cộng đồng, góp phần tích cực vào việc cải thiện sinh kế người dân tại chỗ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nguồn tin: baoquangnam.com.vn
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Quảng Nam ở đâu trên bản đồ doanh thu du lịch Việt Nam nửa đầu năm 2024?
Quảng Nam quảng bá, xúc tiến du lịch tại Đài Loan
Quảng bá du lịch qua truyền miệng điện tử
Quảng Nam sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn
Đền thờ liệt sĩ Tiểu đoàn 76 Hải Đà đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn đón nhận Bằng công nhận di tích cấp tỉnh đối với 3 di tích trên địa bàn.
Cụ Bùi Thị Xong “Người có nụ cười đẹp nhất thế giới” làm đại sứ thương hiệu hình ảnh cho Công ty cổ phần Nhà Việt Nam Vinahouse.
Khu du lịch Vinahouse tham dự chương trình: “Trình diễn nghệ thuật ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản”.
Xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ hội Tịch điền năm 2018.
Điện Bàn, tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng.
    
1   2   3   4  
    
Các tin cũ hơn:
Quảng Nam đón vị khách quốc tế thứ 1,6 triệu
Chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt
Hơn 7,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam
Xúc tiến quảng bá du lịch: Được và chưa được
Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về tiềm năng phát triển du lịch
Thu hồi 23.627m2 đất tại các dự án đầu tư du lịch ven biển Điện Bàn
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật du lịch
Điện Bàn phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch
Giới thiệu sản phẩm du lịch Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh
Việt Nam được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới
    
1   2  
    
  
 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập