Riêng tại xã Điện Hòa trước đây đã có nhiều phế tích, hiện vật được phát hiện gồm: phế tích miếu Bà thôn Bích Trâm với 12 thanh đá kiến trúc và dấu vết của đế tháp Chăm cùng những đường gạch có thể đường đi kiến trúc vẫn còn hiện diện. Khu miếu bà thôn Hà Đông – nơi trước đây đã phát hiện được 1 bộ ling – yoni đặc biệt “chưa khai ấn” tức chưa được khắc rãnh ở phần đầu Yoni, hiện vật này đang trưng bày ở Bảo tàng Điện Bàn. Tại Thôn La Thọ 2, năm 2012 đào làm đường phát hiện gạch, bò thần Nandi, 1 tấm đá trụ cổng đã được đưa về Bảo tàng Điện Bàn, hiện nay trên bề mặt còn nhiều dấu vết của kiến trúc gạch. Cũng tại thôn này, các văn khắc trên các đồ đựng bằng bạc gồm C.143, C.144 và C.145 cũng đã được phát hiện và hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các văn khắc thuộc nhóm hiện vật văn khắc giai đoạn triều đại Indrapura.
Miếu Bà La Thọ nằm ở khu nghĩa trang thuộc thôn La Thọ 2, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, cách vị trí phát hiện bò thần Nandi ở thôn La Thọ 1,8km về phía Đông Nam, cách phế tích Miếu Bà thôn Bích Bắc 4,4km về phía Đông Nam, cách miếu Bà thôn Hạ Trung Nông 2,4km về phía bắc. Phế tích nằm trên một gò gạch cao hơn mặt bằng xung quanh khoảng 2m. Khu Gò thuộc đất công quy hoạch làm nghĩa trang của xã.

Toàn cảnh miếu Bà thôn La Thọ 2
Tọa độ phế tích: 15,910622 vĩ độ Bắc; 108,205956 kinh độ Đông. Khoảng những năm 1990, ông Nguyễn Văn Hường (sinh năm 1956) đã tới khu vực này canh tác trồng chuối, dựng một lưới rào tạm bằng b40 bảo vệ. Phía trên gò ông xây dựng một kiến trúc miếu nhỏ để thờ Bà. Khoảng 5 năm trước, trong quá trình đào khu vực trung tâm của gò để xây dựng ngôi miếu nhỏ thờ Bà và các kiến trúc phụ, ông Hường đã phát hiện được một số hiện vật điêu khắc đá Champa cùng nhiều gạch Chăm. Ông Hường đã lượm nhặt, đặt ở xung quanh miếu Bà mà không báo cho chính quyền địa phương.
Trong quá trình điều tra khảo sát tại Điện Hòa, chúng tôi đã được ông Hồ Đắc Tâm – Trưởng thôn La Thọ 2 dẫn tới địa điểm này. Hiện tại, ở bàn thờ Bà và xung quanh ngôi miếu có một số cổ vật điêu khắc đá thuộc văn hóa Chăm gồm:
Một bức phù điêu bằng đá sa thạch đã bị vỡ hiện còn 3 mảng lớn có thể ráp lại với nhau. Phù điêu chạm khắc hình 2 con voi đang đứng chầu bên cạnh nữ thần (hình 2). Phù điêu được chạm theo phong cách tả thực rõ nét. Hai con voi chầu 2 bên, ở giữa chạm hình 3 nữ thần. Vị thần ở giữa chạm trong tư thế ngồi, chân xếp bằng, hai tay đặt trên đầu gối. Hai bàn tay đã bị gãy. Hai nữ thần còn lại được chạm phía sau. Nữ thần bên phải đã bị gãy chỉ còn lại 1 phần giữa của thân. Nữ thần bên trái còn nguyên, tư thế đứng hướng về phía nữ thần ở giữa. Kích thước phù điêu nữ thần và voi chầu còn lại rộng 68cm, cao 70cm, dày 24cm. Kích thước phù điêu con voi chầu phía phải nữ thần còn lại có chiều cao 64cm, rộng 37cm, dày 27cm.
Theo nghiên cứu về nghệ thuật tạc tượng Hindu giáo, có thể là hình tượng được chạm khắc trên phù điêu này là hình tượng Tridevi (Ba nữ thần) được dùng để mô tả ba vị thần nữ nổi tiếng. Đó là Saraswati (vợ của Brahma), Lakshmi (vợ của Vishnu) và Parvati (vợ của Shiva). Trong các tôn giáo lớn trên thế giới, phụ nữ được coi là nhân vật thiêng liêng, giữ vị trí cao nhất về mặt thờ cúng. Ấn Độ giáo là tôn giáo và đức tin phức tạp nhất được hàng triệu người trên thế giới theo, họ quan niệm rằng Saraswati nổi tiếng về học vấn, nghệ thuật và âm nhạc. Bà là vợ của Thần Brahma và nổi tiếng về sức mạnh tri thức và tư duy trong sáng. Trong khi đó, Lakshmi được coi là nữ thần của may mắn và sự giàu có. Bà là vợ của Thần Vishnu. Bà mạnh mẽ hơn và trong các câu chuyện thần thoại, bà được miêu tả đứng hoặc ngồi trên một bông hoa sen. Người thứ ba là Parvati - vợ của Shiva được coi là lành tính, và được miêu tả là tượng trưng cho sự công bằng và xinh đẹp. Bà rất nổi tiếng vì bà là mẹ của Ganesha, người cũng được coi là vị thần của sự may mắn và trí thông minh. Có nhiều nữ thần nổi tiếng khác trong đạo Hindu nhưng ba nữ thần này được được coi là có thứ hạng cao nhất.

Phù điêu ba nữ thần
Về mặt tạo hình điêu khắc, nét nhân chủng trên khuôn mặt của phù điêu mang nét gần gũi với phong cách điêu khắc Đồng Dương. Tượng điêu khắc nữ thần nhưng gương mặt hơi thô và bộ ngực lớn. Tuy có sự cường điệu nhưng không làm cho các nhân vật có vẽ dữ tợn mà vẫn mang nét mặt hiền từ, dáng vẽ khoan thai, hòa nhã. Và 2 tượng voi chầu cũng mang đặc điểm chung tượng voi phong cách Đồng Dương là trên trán voi có một cục u khá lớn. Và hai con voi này mặc dù được cách điệu, nhưng với động tác co một chân phía trước đưa vòi lên cao, đã thể hiện con được con voi đang rống khá sinh động.
Một hiện vật yoni bằng đá sa thạch còn nguyên vẹn trên bề mặt của yoni có dấu vết vôi vữa và sơn đỏ quanh viền. Có thể trước đây Yoni này đã được người Việt tái sử dụng làm bệ thờ. Yoni là hình tượng sinh thực khí nữ tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, sự tái sinh tinh thần. Hình tượng Yoni được thể hiện gồm phần thân hình gần vuông với kích thước 73 x 74,5cm, xung quanh có gờ nổi cao, bên trong thấp lõm trũng 3cm, giữa có lỗ gắp khớp với linga hình chữ nhật kích thước 9 x 6,5cm. Phần lòng trũng phía trong nối liền với phần vòi vươn dài ra ngoài bằng một rãnh dẫn nước thiêng từ trong ra ngoài, phần đường nước có hình thang cân đã bị vôi vữa che lấp, phần đầu yoni dài 15cm.


Yoni
Một phần thân tượng tròn bằng đá sa thạch màu xám, tượng có mặc váy có chạm khắc các chi tiết hoa văn chữ x theo dạng hồi văn. Kích thước còn lại cao 22cm, bề ngang thân 10cm, dày 13cm.
Ngoài ra, ở xung quanh khu vực gò, đã phát hiện nhiều mảnh vỡ tượng tròn gồm: tay tượng, khủy tay, ngực, bàn tay cầm bình, cùng nhiều mảnh vỡ của bức phù điêu trên với các chi tiết chạm khắc phần thân của nữ thần, cánh tay cầm bình cùng nhiều chi tiết nhỏ khác…
Các mảnh phù điêu lớn hiện được đặt bên trái của miếu Bà. Một số mảnh thân và tay tượng kích thước nhỏ được ông Nguyễn Văn Hường đặt ở trên bàn thờ trong miếu. Cũng theo thông tin từ ông Hường, trong quá trình đào móng để lập miếu thờ, phần trung tâm của gò nhiều chỗ đã bị đào phá sâu tới hơn 1m. Phía dưới vị trí phát hiện phù điêu này vẫn còn những hàng gạch.
Ngoài ra, trong quá trình khảo sát chúng tôi cũng ghi nhận được nhiều mảnh gốm, sành của thế kỷ XIX – XX trên bề mặt nên có thể, phế tích tháp Chăm này trước đây đã bị đổ, sau đó có thể được những người Việt xây dựng công trình thờ cúng nhỏ và có thể chính giai đoạn này, yoni ở đây đã được tận dụng làm bệ thờ với dấu tích của 1 vòng sơn đỏ, vôi trắng được quết lên bề mặt hiện vật.
Hiện nay, ngoài những điêu khắc đá quan trọng được mô tả ở trên, bề mặt địa điểm vẫn còn ngổn ngang các vật liệu xây dựng như gạch, đá nguyên và vỡ. Trong đó, có nhiều viên gạch có chạm khắc trang trí hoa văn.

Gạch trên gò có chạm hoa văn

Hũ bằng bạc có văn khắc ký hiệu C.145 phát hiện ở thôn La Thọ
Cùng với những tư liệu khảo cổ học đã biết, việc phát hiện thêm phế tích tháp Champa ở thôn La Thọ 2 và nhiều cổ vật giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học đã góp phần khẳng định vị thế quan trọng của vùng đất Điện Hòa nói riêng và Điện Bàn nói chung trong lịch sử và văn hóa Champa.
Một số hình ảnh hiện vật khác


Mảnh vỡ tượng tròn



Mảnh vỡ phù điêu

Nhiều gạch được xếp chất đống quanh gò