Chi tiết tin tức
Thách thức ở làng nghề đan đát An Thanh
Người đăng: Văn Mến .Ngày đăng: 12/05/2017 .Lượt xem: 890 lượt.
Cũng như bao làng nghề khác chịu sự tác động của thời cuộc, làng nghề đan đát An Thanh xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn càng khó khăn hơn khi chỉ còn đúng 1 hộ theo nghề này nhưng rất bấp bênh.

Cách đây vài trăm năm, làng nghề đan đát An Thanh đã nằm trong số 7 làng nghề danh tiếng nhất của Phủ Điện Bàn. Theo tìm hiểu từ các bậc cao niên ở làng về lịch sử làng nghề, thì thời Dục Đức vua Lê Thánh Tông, theo chiếu chỉ “Nam tiến" xuất phát từ Thanh Hóa,  vùng đất Ba Châu là  điểm dừng chân của thủy quân Đô Đốc. Ông đã cho khai canh, lập ấp truyền nghề, đan đát trở thành nghề chính của dân cư lúc bấy giờ và tên làng An Thanh ra đời từ đấy. Khi ngành nông nghiệp càng phát triển, nghề thủ công mây, tre, nứa ngày càng tinh xảo và phong phú hơn. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình lúc bấy giờ, được lưu truyền lại trong câu ca: “Thức khuya dậy sớm cho quen/ Làm dâu An Tự chong đèn đan phênh”.

 Hiện nay, làng An Thanh đã được chia thành 2 thôn: An Tự và Thanh Tú với tổng cộng trên dưới 300 hộ.  Đi dọc theo con đường bê tông  dẫn vào 2 thôn vẫn len chặt các lũy tre. Trước đây, chính các lũy tre này là vựa nguyên liệu chính để phục vụ làng nghề nhưng hiện tại, người dân ở đây chỉ  đón chặt tre để bán cho các cho các xí nghiệp làm tăm, đũa và cho một số người có nhu cầu làm giường, chõng tre. Trước năm 2000, vẫn còn hơn 60% số hộ gia đình ở 2 thôn An Tự và Thanh Tú theo nghề. Nhưng dần dà, người dân làng nghề đều không bám trụ nổi với nghề nữa bởi các sản phẩm khó lòng tiêu thụ được. Thu nhập bấp bênh, nhiều người trẻ xin vào nhà máy xí nghiệp để làm công nhân, làng nghề không có lớp kế cận.


   Ông Nguyễn Văn Minh (thôn An Tự, xã Điện Thắng Nam) bộc bạch: “Gia đình tôi đành buông bỏ nghề gia truyền ni hơn chục năm rồi bởi càng ngày càng khó khăn, có lúc tiền công một ngày không đủ bữa đi chợ”. Đó cũng là nỗi lòng chung của hầu hết người dân tại đây khi các sản phẩm như phên, giỏ xách, rổ rá, cần xé… chẳng thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm công nghiệp hiện đại. Ông Hà Đức Dũng – Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Nam cho biết, HTX đan đát của địa phương đã giải thể từ lâu và dù chính quyền cùng người dân không hề muốn mai một đi một nét tinh hoa của cha ông để lại nhưng vẫn chưa tìm ra được hướng tồn tại cho làng nghề.

    Tìm đến hộ ông Nguyễn Văn Rân, gia đình duy nhất còn bám trụ với nghề đan đát ở thôn Thanh Tú, thời gian dần đây, gia đình ông cũng không nhận được đơn đặt hàng. Bà Nguyễn Thị Thu, vợ ông Rân cho hay, ở đợt Tết cổ truyền vừa qua gia đình có xuất đi được một chuyến hàng, thế nhưng, nghề cũng bấp bênh bởi không có thị trường tiêu thụ ổn định thường xuyên. Bà Thu còn cho biết thêm, cách đây khoảng 5 đến 6 năm về trước, gia đình bà lúc nào cũng tất bật với hàng chục nhân công thời vụ  phục vụ những lô hàng hàng chục triệu đồng xuất khẩu cho các khách hàng ở nước ngoài. Tuy nhiên, đơn hàng ngày càng vắng. Hiện tại, nguồn thu nhập chính của gia đình đến từ quán bún và nghề nông, đan đát chỉ là nghề phụ kiếm thêm và cũng gọi là để nghề đan đát ở địa phương không bị biến mất hoàn toàn.

Thỉnh thoảng, trong một số đợt triển lãm làng nghề hoặc hội chợ, ông Nguyễn Văn Rân cũng được mời tham dự. Tuy nhiên, sau khoảnh khắc nhộn nhịp của các dịp hội hè là khoảng trống mênh mông của làng đan đát An Thanh. Thách thức lớn đang đe dọa sự tồn tại của làng nghề hàng trăm tuổi này, tuy nhiên, câu giải đáp vẫn còn chờ phía trước.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam Vinahouse - Khởi công xây dựng Dinh Trấn Mì Quảng.
Các tin cũ hơn:
Miền thơm mùi gỗ
Theo bước chân gánh mì Phú Chiêm
Chàng trai khuyết tật làm giàu trên “đôi chân gỗ”.
"Không gian nhà Việt Nam: Bảo tàng - Làng nghề truyền thống - Trạm dừng chân"
  
 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập