Chi tiết tin tức
Trang sức bằng vàng trong văn hóa sa huỳnh phát hiện ở Điện Bàn
Người đăng: Mai Hồng Lâm .Ngày đăng: 14/02/2015 .Lượt xem: 2545 lượt.
Trong các di tích khảo cổ học giai đoạn sơ kỳ thời đại kim khí (cách ngày nay từ 2.000 - 3.000 năm) ở Quảng Nam, trong những năm qua, các nhà khảo cổ trong và ngoài nước đã tìm rất thấy nhiều loại cổ vật là đồ trang sức.

Hiện trường hố khai quật tại Lai Nghi năm 2002
  Được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, từ đất nung đến các loại đá như néphrit, mã não, thạch anh, thủy tinh, ngọc… và đặc biệt có cả những cổ vật là đồ trang sức bằng vàng của người cổ Sa Huỳnh... Do được chế tác bằng vàng hoặc mạ vàng nên mặc dầu đã nằm dưới lòng đất hàng ngàn năm nhưng những cổ vật là đồ trang sức này hầu như vẫn còn nguyên vẹn khi được tìm thấy. Trong hơn 50 di chỉ thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam đã được phát hiện, thám sát và khai quật, thì di chỉ Lai Nghi (thuộc xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn)  là 1 trong 4 di chỉ là tìm thấy đồ trang sức bằng vàng( các di chỉ còn lại là Đại Lãnh, Gò Mùn của huyện Đại Lộc và Gò Mã Vôi của huyện Duy Xuyên).  Những đồ trang sức bằng vàng rất hiếm khi được tìm thấy trong các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam. Cho đến nay, ngoài 4 di chỉ ở Quảng Nam, khảo cổ học chỉ phát hiện được ở Giồng Phệt – Giồng Cá Vồ (Thành phố Hồ Chí Minh), Hàng Gòn, Phú Hòa (Đồng Nai)…

Số lượng trang sức bằng vàng nhiều nhất được tìm thấy ở di chỉ Lai Nghi là loại hạt chuỗi bằng hình hai nón cụt úp vào nhau. Loại hạt chuỗi này được tìm thấy tại di chỉ Đại Lãnh, Gò Mùn (Đại Lộc). Trong ba đợt khai quật quy mô vào các năm 2002, 2003, 2004 do Viện Khảo cổ học chung và So sánh Born (CHLB Đức), Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bảo tàng Quảng Nam phối hợp thực hiện; các nhà khảo cổ đã phát hiện được 63 mộ chum và dấu vết 04 mộ đất của người cổ Sa Huỳnh, hiện vật được chôn theo trong các mộ táng gồm có trên 300 đồ gốm, 50 hiện vật bằng đồng, khoảng 100 công cụ và vũ khí bằng sắt; đồ trang sức gồm có khuyên tai 3 mấu, khuyên tai hình vành khăn bằng đá, khuyên tai bằng vàng, khoảng 10.000 hạt cườm tấm bằng thuỷ tinh, hàng trăm hạt chuỗi bằng mã não, 02 hạt chuỗi bằng đá đỏ hình chim nước và hổ chế tác rất tinh xảo… Và đặc biệt là đã tìm thấy 122 hạt chuỗi bằng vàng và thuỷ tinh dát vàng. Theo Tiến sĩ Andreas Reinecke, Trưởng đoàn khai quật Viện Khảo cổ chung và so sánh thuộc Viện Khảo cổ học quốc gia Đức, cho biết thì đây là di chỉ có số lượng hạt chuỗi bằng vàng phát hiện được nhiều nhất trong các di tích Sa Huỳnh đã được phát hiện từ trước đến nay ở Việt Nam.

Bốn khuyên tai vàng tìm thấy tại di chỉ Lai Nghi
 Loại hạt chuỗi vàng hoặc dát vàng này có hình dáng như hai hình nón cụt úp vào nhau, chính giữ thân nối thành đường gờ, hai đầu phẳng và có lỗ xuyên dọc thân. Đường kính thân khoảng từ 0,4cm đến 0,7cm; chiều dày khoảng từ 0,45cm đến 0,55cm; đường kính lỗ khoảng 0,1cm. Loại hạt chuỗi này có thể được làm bằng phương pháp dập khuôn bao ngoài, dập lỗ bên trong tạo thành hạt chuỗi rỗng ruột. Do vậy hạt chuỗi này tuy nhẹ nhưng rất chắc chắn và ít bị méo mó.

Ngoài loại hình hạt chuỗi bằng vàng hình hai nón cụt úp nhau thì trong cũng tại di chỉ Lai Nghi, các nhà khảo cổ học còn phát hiện được 4 chiếc khuyên tai bằng vàng. Bốn chiếc khuyên tai vàng này có đường kính khoảng từ 0,75cm đến 0,8 cm). Ba trong 4 chiếc khuyên tai được chế tác theo dạng xoắn ốc, chiếc còn lại có những đường khắc vạch tạo thành những đường gờ quanh thân. Theo ông Nguyễn Chiều, Giảng viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì đây cũng có thể xem như là những đôi khuyên tai vàng đầu tiên được phát hiện trong Văn hoá Sa Huỳnh.

 Hạt chuỗi bằng vàng hình 2 nón cụt úp nhau và đồ trang sức tìm thấy tại Lai Nghi
 Có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc và xuất xứ của những đồ trang sức bằng vàng này. Theo Giáo sư Khảo cổ học Lê Xuân Diệm thì những hạt chuỗi vàng hình hai nón cụt úp nhau hẵn là đồ ngoại nhập. Có điều vào thời gian ấy, trang sức bằng vàng còn rất hiếm phải đến những thế kỷ đầu Công nguyên quan hệ giao thương mới được phát triển. Theo đó nhiều cơ sở sản xuất đồ kim hoàn được hình thành trên các địa điểm dọc theo bờ biển Việt Nam – Thái Lan đưa đến sự phong phú, đa dạng các loại đồ trang sức bằng đá, bằng kim loại… Tuy nhiên, trên vùng đất Quảng Nam có các mỏ vàng như Bông Miêu, Phước Sơn và nhiều nơi có vàng sa khoáng, do đó cũng có ý kiến cho rằng những đồ trang sức bằng vàng được tìm thấy trong các di chỉ kể trên có nhiều khả năng do chính người cổ Sa Huỳnh chế tác tại chỗ.

* Tài liệu thao khảo:

1. Lê Xuân Diệm – Vũ Kim Lộc: “Cổ vật Champa” – Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc, 1996.

2. Andreas Reinecke, Nguyễn Chiều, Lâm Thị Mỹ Dung: “Những phát hiện mới về văn hóa Sa Huỳnh” – Linden Soft (Cộng hòa Liên Bang Đức), 2002

3. Hồ Xuân Tịnh: “Nghiên cứu khu mộ chum Lai Nghi qua đồ trang sức”

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Men theo tiếng trống hội làng
Các tin cũ hơn:
Lễ hội Thanh Minh lần thứ 5
  
 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập