|
Khách nội địa tham quan tăng cao nhưng tỷ lệ khách lưu trú tại Quảng Nam rất thấp.
|
Tham quan tăng, lưu trú giảm
Thống kê từ Sở VH-TT&DL, 5 tháng đầu năm 2014 du lịch Quảng Nam chứng kiến lượng khách tăng mạnh, đạt hơn 1,4 triệu lượt, vượt 8,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa ước đạt 576 nghìn lượt nhưng lượng khách đăng ký lưu trú chỉ khoảng 187 nghìn người. Riêng tháng 5, trong số gần 130 nghìn lượt khách nội địa đến Quảng Nam, số khách lưu trú chỉ khoảng 40 nghìn lượt. Theo ông Võ Văn Vân - Giám đốc khách sạn Công đoàn Hội An, mùa cao điểm của du lịch nội địa Quảng Nam thường tập trung từ tháng 5 đến tháng 8, đây cũng là thời gian thấp điểm của khách Âu, Mỹ nên việc bổ sung thay thế nguồn khách là rất quan trọng. Một lý do nữa là khách nội địa lưu trú tại TP.Đà Nẵng nhiều hơn. Hiện, công suất buồng phòng của khách sạn Công đoàn Hội An chỉ đạt khoảng 20 - 30%, một con số quá thấp nếu so với mức bình quân 65% những năm trước. “Chúng tôi đang tính đến phương án giảm giá phòng xuống 5 - 10% để kéo khách về”- ông Vân cho biết.
Thêm vào đó, lượng khách lưu trú tỷ lệ nghịch với khách tham quan. “Khách sạn đã làm đủ cách rồi nhưng không ăn thua vì các công ty lữ hành đang có hướng chuyển khách ra Đà Nẵng”- ông Trần Ngọc Trung, Giám đốc khách sạn Golf Hội An than thở. Theo ông Trung, đây là điều tất yếu vì sản phẩm du lịch Hội An dường như đã tiến đến mức bão hòa đối với khách nội địa, những sản phẩm du lịch văn hóa trong phố cổ đã không còn mới lạ, hấp dẫn với khách Việt. Trong khi đó, tại TP.Đà Nẵng ngày càng xuất hiện nhiều địa điểm và hoạt động vui chơi giải trí, nhất là các hoạt động giải trí, mua sắm về đêm. “Nếu ví Hội An là một bảo tàng khổng lồ thì Đà Nẵng như một công viên khổng lồ, mà công viên thì có thể đến vui chơi giải trí nhiều lần còn với bảo tàng du khách cũng chỉ đến một, hai lần rồi thôi”- ông Trung ví von. Từ vai trò là một điểm đến chính, bây giờ phố cổ Hội An chỉ còn là điểm ghé phụ kèm trên tuyến tham quan trước khi về Đà Nẵng nghỉ ngơi, tắm biển, dạo phố, đi siêu thị….
Cầm cự
Mùa này, lượng khách lưu trú ở các resort ven biển cũng chỉ tương đối. Theo đại diện khách sạn Palm Garden, tỷ lệ lấp đầy phòng của đơn vị chỉ khoảng 50%, trong đó khách nội địa chiếm 15%, chủ yếu là khách hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng. Với khách sạn Vitoria, tỷ lệ khách nội địa khoảng 5% trong tổng số khách lưu trú. “Thời gian này chúng tôi đang tổ chức chương trình giảm giá đối với khách lẻ lưu trú từ 2 đêm trở lên. Tôi nghĩ qua tháng 7, tháng 8 tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn”- đại diện khách sạn Palm Garden hy vọng. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Trung, dù công suất phòng khách sạn chưa đạt như mong muốn (46%) nhưng đơn vị không thể giảm giá vì giá phòng đã quá thấp. Thực tế, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã cầm cự bằng cách đa dạng hóa thị trường, nhất là các đối tượng khách hàng châu Á. “Tuy đã vào mùa khách nội địa nhưng ưu tiên chúng tôi vẫn là tập trung vào các sản phẩm phù hợp với thị trường khách Đông Nam Á như Malaysia, Singapore…” - ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương tiết lộ. Theo ông Lê Ngọc Tường - Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH-TT&DL), cơ cấu khách đến Quảng Nam những năm qua thường theo tỷ lệ 50 - 50 chia đều cho khách nội địa và quốc tế, trong đó, khách nội địa chủ yếu tập trung vào các tháng hè. “Việc du khách nội địa chọn Đà Nẵng lưu trú là một thực tế vì nơi đây có nhiều khách sạn mới, đẹp, giá rẻ, để kéo khách về Hội An là một việc làm lâu dài và không hề đơn giản ”- ông Tường nói.