Chi tiết tin tức
Thử hình dung về việc xây dựng tháp của người Chiêm xưa
Người đăng: Hồ Thế Vinh .Ngày đăng: 24/01/2014 .Lượt xem: 2273 lượt.
Điểm đặc biệt của tháp Bằng An (Điện Bàn – Quảng Nam) nói riêng và các tháp Chăm nói chung là kỹ thuật xây dựng. Trong đó, các viên gạch xây tháp liên kết với nhau gần như liền một khối, giữa chúng không xuất hiện lớp vữa liên kết.

Ngoài ra, giữa kỹ thuật xây dựng và hình thức điêu khắc, trang trí trên các tháp có sự đồng điệu gần như tuyệt đối và tính thẩm mỹ cao khi chúng ta không tìm thấy bất kỳ một dấu tích của sự gọt đẽo, sự vụn gãy trên bề mặt gạch. Tháp có độ bền vững cao trước tác động khắc nghiệt của khí hậu miền Trung và khu vực. Đây là những “ẩn số” chưa có lời giải chính thức.

Từ truyền thuyết…

Cha tôi là một người  sinh ra và lớn lên tại làng Uất Lũy thuộc huyện Điện Bàn, Quảng Nam (Uất Lũ và Hoa Trà là hai địa danh cổ mang tên hai vị phúc thần của người Chăm). Ông cố của cha tôi là Hồ Công Tạo, nguyên là quan Phòng thành trông coi việc phòng thủ và xây dựng tu sửa Dinh trấn Thanh Chiêm dưới thời Chúa Nguyễn. Thuở nhỏ, chiều chiều cha tôi cùng các bạn đồng lứa xuống sông Vĩnh Điện tắm rồi bơi qua sông bắt chim, nô đùa, rượt đuổi nhau cho đến mệt thì kéo nhau vô trong ngôi tháp Bằng An ngồi nghỉ xong lại bơi qua sông trở về. Sau mỗi lần như thế, cha tôi thường bị ông cố rầy la và ngăn cấm không cho tắm sông cũng như không cho đến gần ngôi tháp Hời (người Việt ngày xưa thường gọi người Chăm là người Hời). Nhân dịp đó, ông kể lại cho cha nghe nào là chuyện ma Hời, vàng Hời, việc người Việt và Hời thi đốt tháp và việc người Hời xây tháp như thế nào.


Tháp Bằng An

Truyền thuyết xây tháp và đốt tháp được ông cố của cha tôi kể lại rằng, vào những năm đầu thế kỷ 15, mặc dầu Chiêm Thành (tức Champa) phải dâng đất Chiêm Động và Cổ Luỹ cho nước Đại Việt, nhưng dân Chiêm Thành vẫn còn sống chung với người Kinh Việt. Buổi đầu tiếp xúc, hai phía Việt và Chiêm thường có những cuộc tranh tài và tranh chấp về đất đai, trong đó cuộc tranh tài về ngành xây dựng. Có cuộc người Chiêm Thành đề nghị người Việt thi xây tháp. Mỗi bên sẽ xây một ngôi tháp trơn theo kiểu mẫu, kích thước, với một đội thi công đã được qui định. Nếu người Việt xây tháp xong trước sẽ được xem là thắng cuộc và người Chiêm Thành sẽ rời bỏ ngay vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi để giao lại cho người Việt ở.

Trong buổi giao thời, người Chiêm Thành chưa biết rằng người Việt xây bằng gạch đã nung sẵn, liên kết với nhau bằng hồ vữa, còn người Chiêm Thành thì xây bằng gạch mộc (gạch chưa nung) nhúng nước, xây xong rồi mới nung sau, nên qua cuộc thi đó, người Chiêm Thành bị thua. Ngôi tháp của người Việt xây bằng hồ vữa chính là ngôi tháp có màu vôi trắng ở cạnh bến đò Hoa Trà thuộc huyện Điện Bàn. (Vào những năm đầu của thế kỷ 20, đoàn khảo sát người Pháp đã đến điều tra về công trình được gọi là ngôi tháp màu trắng này, nhưng rất tiếc là sau một trận lũ lớn, ngôi tháp đã bị vùi lấp dưới sông Thu Bồn.)

Nhưng người Chiêm Thành chưa chịu phục, cho rằng tháp là nơi để thờ thần linh, đất làm gạch được lấy từ dưới đất mà lên, còn lửa từ trên trời do thần linh đưa xuống. Do đó, ngôi tháp phải được xây bằng gạch mộc từ dưới lên rồi mới được nung sau từ trên xuống. Nếu người Việt đồng ý dự thi xây tháp theo cách thức đó mà thắng được, người Chiêm Thành sẽ chịu phục và tức khắc rời khỏi đất Chiêm Động và Cổ Lũy ngay.

Người Việt đồng ý, nhưng biết rằng, nếu xây tháp theo cách thức đó thì  chưa chắc thắng được người Chiêm Thành, nên đã tương kế tựu kế: vừa giả vờ xây ngôi tháp bằng gạch mộc ở phía trước, đồng thời bí mật làm một ngôi tháp bằng tre và giấy ở phía sau, dùng màu vẽ và tô lên trông y hệt như một ngôi tháp Chiêm Thành. Khi tháp bằng giấy vừa xây xong, đêm đó người Việt cho dỡ và thu gọn phần tháp đã xây dang dở bằng gạch mộc ở phía trước để lộ ra một ngôi tháp đỏ sừng sững uy nghi như ngôi tháp thật.

Sáng hôm sau, người Việt tuyên bố đã xây xong tháp, trong lúc đó, người Chiêm Thành xây chưa xong đành phải chịu thua, nhưng sợ rằng người Chiêm Thành sớm muộn sẽ phát hiện ra tháp làm bằng tre và giấy nên người Việt đã ra đề nghị, nếu bên nào đốt ngôi tháp cháy trước thì bên đó sẽ thắng. Tất nhiên, một lần nữa người Việt đã thắng cuộc, còn ngôi tháp của người Chiêm Thành vẫn tiếp tục được ngọn lửa đốt nóng đến mấy mươi ngày, nhưng tháp chỉ đỏ lên chứ không sao cháy được. Đó chính là ngôi tháp Bằng An hiện nay vậy.

Kể xong truyền thuyết trên, ông cố của cha tôi còn đưa ra một nhận định: Không có cuộc thi xây tháp nào cả, nhưng tục ngữ từng nói: “Có lửa mới có khói”. Ngôi tháp màu trắng ở bến đò Hoa Trà chỉ là một vật có hình dạng giống ngôi tháp mà thôi. Tương truyền, trước đây, nơi đó có một cây duối trắng rất lớn (nay vẫn thấy còn mọc nhiều ở vùng Thăng Bình, Quảng Nam. Có nơi gọi là cây Ruối, tên khoa học là Streblus Asper Lour, cây khá phổ biến ở Ấn Độ), là vật trấn quốc giữ nước của Chiêm Thành. Khi vua Chiêm là Chế Mân cưới công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt về làm vợ, có lần Huyền Trân bị bệnh chữa mãi không khỏi, có người mới bảo Chế Mân chặt bỏ cây duối trắng đi, thì bệnh của Huyền Trân mới lành. Sau nhiều lần do dự do quần thần can ngăn, cuối cùng Chế Mân cũng đã ra lệnh quân sĩ chặt bỏ cây duối trắng. Khi bị chặt, thân cây chảy ra một loại nước màu đỏ trông như máu đến mấy ngày mới hết. Từ đó, nước Chiêm Thành bị suy vi. Chế Mân hối hận, mới cho người xây tại nơi đó một cây duối trắng to và cao bằng cây duối thật, bên trong có chứa tượng thần và đồ thờ cúng bằng vàng bạc, mong rằng cây đó sẽ phù trợ cho đất nước lâu bền và phồn vinh.

   Cũng không có việc người Chiêm Thành thi đốt tháp với người Việt, vì nếu tháp được xây bằng gạch làm bằng đất sét thì làm sao mà đốt cho cháy được. Người Chiêm Thành chỉ dùng cây khô để đốt nung ngôi tháp được xây bằng gạch mộc cho chín đỏ mà thôi, nhưng ở trường hợp này cũng vậy: “Có lửa mới có khói”!. Qua những lần thấy cách nung tháp mới lạ này, một số người Kinh Việt giàu óc tưởng tượng mới thêu dệt nên câu chuyện thi đốt tháp như trên, về sau phổ biến rộng trong dân chúng…

… đến hình dung cách xây tháp

           Những câu chuyện và những nhận định trên liệu có thể cho phép chúng ta ban đầu hình dung về mô hình xây dựng các tháp của người Chăm xưa mà với nó có thể phù hợp ở các mặt kiến trúc, điêu khắc; các yếu tố lịch sử, tâm linh và với những gì còn để lại trên các tháp cho tới ngày nay chăng? Tôi xin đưa ra mấy giả thuyết:    

Tháp có thể được người ta xây bằng gạch mộc - tức những viên gạch còn ướt, được phơi qua vài ngày cho se lại, sau đó nhúng nước, xát và ép để viên này dính sát với viên kia, chồng lên và sole mí với nhau. Cách xây và nung tháp của người Chiêm Thành phải theo trình tự bắt buộc: Xây từ dưới lên trên và nung từ trên xuống dưới. Bởi lẽ, vì xây bằng gạch mộc chưa nung, tức là dùng những viên gạch còn sống nhúng nước rồi xát và ép chặt vào nhau để kết dính nên tháp dễ đổ, vì vậy người Chiêm Thành phải xây tường tháp rất dày từ 1m đến gần 2m. Các cửa ra vào được xây theo lối giật cấp, sau có thể được gia cường thêm bằng các lanh-tô đá. Phần đỉnh tháp thì luôn được xây nhỏ hơn phần đế và thân tháp để trọng tâm khó đổ ra ngoài. Xây tháp tới đâu thì đổ đầy đất ở trong lẫn ngoài lên tới đó, ngang với mặt tường đang xây, ém đất thật chặt để giữ tháp cho vững.

        

 

Xây tháp tới đâu thì đổ đầy đất ở trong lẫn ngoài lên tới đó, ngang với mặt tường đang xây, ém đất thật chặt để giữ tháp cho vững, đồng thời để người thợ có điều kiện làm việc dễ dàng trong lúc xây và chạm khắc. Đây cũng chính là một loại, vừa giàn giáo, vừa cốp pha (Scaffold and framework) trong ngành xây dựng, nhưng ngày nay thì người ta làm bằng gỗ và sắt.

      

                                                   

Khi tháp xây lên tới đỉnh xong rồi lúc đó đỉnh tháp vẫn chừa lỗ trống chưa gắn vật trang trí vào. Người Chiêm Thành để như vậy vài ngày cho gạch khô, đoạn bới dần đất ở phần đỉnh tháp ra, chất cây khô chung quanh đốt cháy lên để nung phần đỉnh tháp cho chín đỏ. Khi phần đỉnh tháp đã được nung xong thì người ta bới đất để đốt lửa nung phần tháp tiếp theo ở dưới. Cứ thế, người ta đốt lửa nung dần từng phần cho đến hết phần chân tháp. Đến đây, tháp đã khá vững chắc, người ta bới đất ở trong tháp ra để chất củi đốt lên nung thêm ở phần trong cho hoàn chỉnh, kết thúc công đoạn nung tháp.

Những công đoạn như trên là sự hình dung  từ sự thu thập, khảo sát, tổng hợp ban đầu nhưng có thể cho một sự khái quát về mô hình xây tháp và có thể lý giải một số vấn đề nhất định. Đó là việc tạo ra một hình thức liên kết toàn khối - đồng nhất, đảm bảo tính bền vững theo thời gian dưới tác động môi trường; Tháp ít xuất hiện tình trạng rêu mốc trên mặt Tháp (do không chứa các thành phần tạp chất từ vật liệu kết dính); thực hiện được việc điêu khắc – trang trí một cách hài hòa trên tháp mà không bị sứt mẻ và đảm bảo được các ý nghĩa tâm linh – tôn giáo,…

Hình dung thì vẫn là… hình dung thôi. Giả thuyết của tôi nêu ra có thể giống như…một truyền thuyết lý thú mà thôi (!) bởi không có “chiếc máy thời gian” nào kỳ diệu  đưa ta trở lại được ngày xưa để biết đích xác người Chiêm Thành xây tháp bằng cách nào. Song, trong một chừng mực nào đó,  giả thuyết trên là sự gợi mở cho một hướng nghiên cứu.

[Trở về]
Các tin cũ hơn:
Bảo tàng Điện Bàn


 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập