Bãi bồi Gò Nổi
Nhà nghiên cứu Quảng Nam học, cố tác giả Nguyễn Văn Xuân từng nhận định “Điện Bàn là vùng du lịch lớn trong quá vãng”. “Vùng du lịch” đó có rất nhiều mối liên quan đến các dòng sông, nhất là khoảng thế kỷ XVII-XVIII, khi vùng đất Điện Bàn được chọn là nơi tọa lạc của Dinh trấn Thanh Chiêm - thủ phủ của xứ Đàng Trong. Điện Bàn đã được biết đến là vùng đất có nhiều sản vật, phong cảnh hữu tình, những bến nước sông quê trở thành nơi dừng chân lý thú.
Sông nước Thu Bồn bấy giờ (còn gọi là Sông Cái) khi về đến Câu Lâu - Cầu Mống đã góp sức lớn cho sự thịnh vượng của vùng đất này. Bến Vân Đông (làng Vân Đông - Vạn Đông), là làng tiếp giáp với Trấn Thanh Chiêm, nổi tiếng với nghề đóng ghe bầu đi biển. Loại ghe lớn này là loại phương tiện giao thông đường thủy bậc nhất thời ấy để chở người và vận chuyển hàng hóa. Khi Dinh trấn Thanh Chiêm được nhận định như là “bàn đạp” để cộng đồng người Việt tiến về phía Nam thì loại ghe bầu này là một trong những phương tiện quan trọng. Cùng với bến Vân Đông là Chợ Củi bên dòng sông Chợ Củi (Sài Thị giang). Từ năm 1644, trong Nhật ký của Linh mục Đắc Lộ đã nhắc đến địa danh này và Chợ Củi gắn liền với nguồn giao thương lớn của chợ thời đó là củi. Củi ở đây chuyên cung cấp cho các loại tàu thuyền lớn để làm chất đốt. Chợ Củi là mối giao thương lớn không chỉ phục vụ cho tàu thuyền, du khách của Việt Nam mà của cả tàu thuyền các nước khi đến quan hệ, giao dịch với Dinh trấn Thanh Chiêm. Ngoài củi, tàu thuyền các nước khi đến bến chợ này còn trao đổi các loại hàng hóa, phẩm vật của vùng đất Điện Bàn xưa như tơ lụa, đường, gạo... Có thể xem bến sông Chợ Củi ngày ấy là “cửa khẩu” đầu tiên để thương nhân, du khách đến với vùng đất Điện Bàn!
Khi Thành tỉnh La Qua được xây dựng, vai trò của Chợ Củi bị mờ dần, các quan hệ thương thảo đã chuyển về Vĩnh Điện. Bến Điện (bến sông gần chợ Vĩnh Điện) trở thành tâm điểm của vùng. Bến nước “lá hoa về chiều” (lời nhạc Lê Trọng Nguyễn) này từng là điểm dừng chân lý thú, để lại bao lưu luyến cho các văn nhân, thi sĩ. Thời nhà soạn tuồng nổi tiếng Đào Tấn làm Tổng đốc Quảng Nam gắn liền với mốc lịch sử hiếu học Quảng Nam 1898 với vinh danh “Ngũ phụng tề phi”, Đào Tấn đã cho dựng một nhà hát tại bến sông Vĩnh Điện, thường đến đó uống rượu ngâm thơ “những ngày nắng như hun đốt, những đêm gió mát trăng thanh, xõa tóc ra để hứng lấy gió nam, khép lòng lại để trông dòng nước chảy”(Bài Ký Khán hoa đình- Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại). Nhà hát chưa có tên, nhân sự kiện các học trò Quảng Nam đỗ đạt cao vinh quy bái tổ, Tổng đốc Quảng Nam Đào Tấn đã đặt tiệc mừng tại đó và đặt tên là Khán hoa đình. Cũng nhân sự kiện này, Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại làm “Bài ký Khán hoa đình” với những dòng văn miêu tả dòng Vĩnh Điện nên thơ “...chèo chiếc thuyền con dạo trên sông Điện, gặp nơi cảnh trí xinh đẹp phía bắc, nào cát trắng nước cạn, nào trúc rậm bóng im, mới gọi nơi này là “Thanh Lương Tân” (nghĩa là bến sông trong sáng, mát mẻ).
Trên dòng Cổ Cò
Ngược dòng xa hơn là dòng Cổ Cò (Lộ Cảnh giang) với nhiều sắc màu của bức tranh du lịch. Cái cổ cò kỳ diệu vươn lên từ Cửa Đại để hình thành một dòng sông theo hướng Bắc Nam chạy dọc qua vùng Đông Điện Bàn rồi đổ về Đà Nẵng đã tạo ra một bức tranh đẹp mắt với nhiều huyền tích. Tương truyền từ thuở vùng đất Bắc sông Thu Bồn nhập vào Đại Việt, năm 1307, sông Cổ Cò đã đón nhận bước chân của Công Chúa Huyền Trân khi quay về Đại Việt. Đến thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, Hòa Thượng Thích Đại Sán - vị cao tăng của Trung Hoa được mời qua giảng Phật ở xứ Đàng Trong đã mô tả dòng sông này trong nhật ký: “Gió thổi hiu hiu, nước trong leo lẻo, rừng tre thăm thẳm, bãi cát sáng ngời...”. Vua Minh Mạng nhà Nguyễn, đã nhiều lần tuần du trên sông Cổ Cò và sông Vĩnh Điện. Sử sách còn lưu rõ ba lần dong thuyền ngự lãm của vua Minh Mạng trên dòng Cổ Cò. Sự quyến rũ của dòng sông này còn gắn liền với tương truyền về cô công chúa của vua đã lưu lại trên hang núi Hỏa Sơn...
Và, hẵn là một thiếu sót lớn nếu không kể đến dòng Thu Bồn và những điểm dừng chân đi vào lịch sử. Sông Thu với những bãi bắp nương dâu đã làm say lòng Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, làm nên câu chuyện tình thơ mộng với người con gái họ Đoàn - Bà chúa tằm tang. Rồi những Bến Đường, Bảo An, Văn Ly, Cẩm Lậu, Hà Mật... và cả vùng đất Gò Nổi trù phú là điểm đến hấp dẫn của khách thập phương qua nhiều giai đoạn lịch sử. Những sản vật tơ lụa, mía đường, gạo bắp... của vùng đất Gò Nổi theo các ngả sông đến khắp vùng xứ Quảng. Những chi lưu Bình Long, Thanh Quýt... cũng đã mang đến cho vùng đất Điện Bàn những góc nhìn sinh động.
Sông nước gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống của cư dân đôi bờ là một trong những yếu tố bền vững trong phát triển du lịch. Những năm gần đây, Điện Bàn tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch. Trong nhiều loại hình ưu tiên phát triển thì du lịch sinh thái sông nước vẫn là một trong những tiềm năng lớn để Điện Bàn có được vị thế nhất định trong làng du lịch khu vực. Dự án nạo vét sông Cổ Cò, khôi phục lại dòng chảy của con sông huyền tích này là niềm mong đợi không chỉ của cư dân đôi bờ mà của cả các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch. Tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng hy vọng trong một tương lai không xa, cảnh rộn rịp trên bến dưới thuyền của dòng sông Cổ Cò sẽ là một điểm nhấn kỳ thú cho bức tranh du lịch Điện Bàn.
Trong năm 2013, sản phẩm khu du lịch sinh thái Triêm Tây được khai trương. Đây là điểm du lịch dựa trên lợi thế sông nước Thu Bồn gắn với vùng đất Triêm Tây giàu bản sắc. Bến nước sông quê chính là tâm điểm của khu du lịch này hướng đến như lời của ông Bùi Kiến Quốc - Chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Triêm Tây “... du lịch Điện Bàn là du lịch của nông nghiệp, của bụi tre, con sông, bến nước...”.
Tuổi thơ
Tuy vậy, cánh cửa du lịch sông nước Điện Bàn vẫn còn bỏ ngỏ. Bến nước sông quê vẫn đang lở bồi theo những biến động của thiên tai và sự tàn phá của con người. Những “bờ tre xanh thẫm, trúc rậm bóng im” dần dần bị xóa mờ, dòng “nước trong leo lẻo” gần như hiếm hoi. Các cánh sông phía Tây Điện Bàn như dòng Bình Phước (chi lưu của Sông Yên -Vu Gia) ngay giữa mùa hè cũng một màu sẫm đỏ. Dòng Thu mênh mang cũng bị biến động bởi lũ lụt và ngập mặn. Một số bến sông vẫn còn, nhưng không phải là nơi neo đậu bình yên của những con đò mà là các điểm vận chuyển cát sạn...
Giữ lại bụi tre, bến nước, để sông chờ, bến đợi... trong thời đại đô thị hóa đang rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Muốn làm được du lịch sinh thái, du lịch sông nước, trước hết hãy bảo tồn những chân giá trị của các dòng sông, làm xanh hóa môi trường tự nhiên, xanh hóa các giá trị văn hóa lịch sử. Có như vậy, bức tranh du lịch của Điện Bàn mới phong phú và hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh và lan tỏa...