Hiệu quả bước đầu
Những sản phẩm mới được đưa vào khai thác năm 2013, gồm: Tắm khoáng hồ Phú Ninh, Không gian nhà Việt Nam - Vinahouse, Khu du lịch nhà vườn sinh thái Triêm Tây, Bảo tàng Điện Bàn, Làng du lịch cộng đồng sinh thái Trà Nhiêu (Duy Xuyên), Tái hiện 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh (Nam Giang), Tham quan hang yến Cù Lao Chàm, Du lịch cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An), Làng dệt Zara và 3 làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, Bhơ Hôồng, Đhờ Rồng (Đông Giang). Riêng bãi tắm Hạ Thanh (Tam Kỳ) chưa thể triển khai do vướng giải phóng mặt bằng.
Không gian nhà Việt Nam – Vinahouse Space
Qua các điểm đến, dễ dàng nhận thấy các sản phẩm du lịch cộng đồng đang dần phát huy hiệu quả. Riêng tại Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, từ khi khai trương (tháng 6) đến tháng 12.2013 đã đón hơn 700 lượt khách tham quan, trong đó có gần 380 lượt khách lưu trú, doanh thu mang lại cho làng hơn 110 triệu đồng. Du khách đến đây ngoài chiêm ngưỡng cảnh sắc núi rừng còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơ Tu như ẩm thực hay các ngành nghề truyền thống. Đặc biệt, thông qua việc cung cấp các dịch vụ lưu trú, hướng dẫn, ăn uống, bán hàng lưu niệm… người dân đã bắt đầu được hưởng lợi từ những sản phẩm văn hóa của mình.
Theo ông Bloó - Trưởng ban Quản lý làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, dự án không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn giúp đồng bào bảo tồn tốt bản sắc văn hóa dân tộc. Từ khi triển khai đã có 6 nhóm dịch vụ được thành lập gồm ẩm thực, đan lát, homestay, hướng dẫn, cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống, khi có đơn đặt hàng tất cả các nhóm sẽ cùng bắt tay vào phục vụ. “Sau khi trích lại 10% cho làng để làm quỹ hỗ trợ các gia đình đau ốm, khó khăn mỗi người trong nhóm được chia số tiền từ các dịch vụ khách chi trả” - ông Bloó cho biết.
Vừa phát triển, vừa hoàn thiện
Tháng 11.2013, Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức chương trình Quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch mới tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 150 đại diện đến từ các công ty lữ hành, cơ quan thông tấn, báo chí. Nhiều sản phẩm du lịch mới đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành tại hai đầu đất nước, nhất là 3 sản phẩm làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn và Đông Giang. Chương trình mở ra cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu trao đổi thông tin về các sản phẩm du lịch cũng như liên kết hợp tác đưa khách đến tham quan trong thời gian tới.
|
Không phải đến bây giờ việc phát triển sản phẩm du lịch mới được quan tâm mà đây là công việc được ngành du lịch tiến hành liên tục. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Những năm trước sở vẫn thường xuyên xây dựng các sản phẩm du lịch nhưng chỉ mang tính đơn lẻ, việc khai trương các sản phẩm du lịch mới trong dịp Festival 2013 vừa qua là nhằm mục đích tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và địa phương nhằm thúc đẩy sản phẩm sớm hoàn thiện đưa vào khai thác”. Thực tế cho thấy, ngoài những sản phẩm du lịch cộng đồng đang bắt đầu phát huy hiệu quả, các sản phẩm khác như Không gian nhà Việt Nam - Vinahouse; Bảo tàng Điện Bàn hay Tái hiện 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh… vẫn chưa nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp lữ hành. Theo ông Đinh Hài, để một sản phẩm du lịch “sống” được, ngoài sự ủng hộ của doanh nghiệp còn cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch phát triển, kêu gọi đầu tư, liên kết doanh nghiệp du lịch đưa khách đến... “Trong năm 2014, sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện bộ máy quản lý và nâng cấp chất lượng hạ tầng tại một số sản phẩm du lịch, từng bước đáp ứng yêu cầu tham quan của du khách” - ông Đinh Hài nói.
Xây dựng sản phẩm du lịch mới là công việc thường xuyên của ngành du lịch để du khách có nhiều lựa chọn khi đến với Quảng Nam. Dù một số sản phẩm vẫn chưa phát huy hết tiềm năng nhưng không thể phủ nhận những thành công bước đầu của không ít sản phẩm du lịch mới 2013, nhất là các sản phẩm du lịch cộng đồng, góp phần tích cực vào việc cải thiện sinh kế người dân tại chỗ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.