Nhiều hoạt động
Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam cho biết, trung bình mỗi năm, đơn vị tiến hành khoảng 20 đợt xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch của tỉnh đến với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Riêng năm 2013 đã có hơn 30 đợt quảng bá xúc tiến, giới thiệu sản phẩm du lịch Quảng Nam được trung tâm tổ chức, như tham gia các hội chợ tại Việt Nam và quốc tế; đón đoàn famtrip; xuất bản tập gấp, giới thiệu điểm đến trên website du lịch Quảng Nam cũng như các phương tiện thông tin, báo đài... trong và ngoài tỉnh. Theo ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam, dù chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của việc quảng bá giới thiệu đối với hoạt động, phát triển du lịch địa phương. Thông qua quảng bá, giới thiệu, phát hành tập gấp, tờ rơi, panô... nhiều điểm du lịch như Cù Lao Chàm, Triêm Tây hay làng cộng đồng Trà Nhiêu... đã được các doanh nghiệp biết và đưa khách đến. Đặc biệt, với sự nỗ lực của địa phương, doanh nghiệp trong việc cải thiện hạ tầng lưu trú, phát triển sản phẩm lưu niệm, môi trường du lịch, cũng góp phần không nhỏ thu hút đầu tư, quảng bá sản phẩm du lịch thêm hiệu quả.
|
Cù Lao Chàm ngày càng thu hút du khách nhiều hơn nhờ xúc tiến quảng bá.
|
Cùng với đó, mối liên kết phối hợp giữa Quảng Nam với TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế theo phương châm “ba địa phương một điểm đến” cũng đã giúp ngành du lịch 3 nơi tiết giảm chi phí, nâng cao tính hiệu quả trong xúc tiến quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương mình. Hàng chục chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2013 đều có sự tham gia của 3 địa phương, như tham gia các hội chợ VITM Hà Nội 2013, Du lịch Quốc tế Hồ Chí Minh (ITE - HCMC) 2013, KOTFA Hàn Quốc, hay hội chợ Quốc tế biển Nha Trang; đón các đoàn famtrip Nga, Hồng Kông, Thái Lan... “Liên kết là xu hướng chung hiện nay vì khách nước ngoài đến Việt Nam không thể chỉ tham quan mỗi Hội An mà phải đi nhiều nơi. Với khách du lịch, họ không có sự phân biệt về địa giới hành chính giữa Quảng Nam hay Đà Nẵng” - ông Tú nói. Tuy nhiên, mối liên kết này cũng gặp không ít lấn cấn về kinh phí phối hợp, đối tượng khách quảng bá... do đặc thù mùa du lịch mỗi địa phương khác nhau.
Thiếu đồng bộ
Có thể khẳng định, con số hàng triệu lượt khách đến Quảng Nam mỗi năm là nhờ đóng góp không nhỏ của công tác quảng bá, xúc tiến. Thông qua hoạt động này nhiều sản phẩm du lịch đã được các doanh nghiệp, du khách biết đến và đón nhận. Điều đó còn có ý nghĩa hơn khi năm 2013 này, lần đầu tiên du lịch Quảng Nam đón hơn 3,4 triệu lượt khách, trong đó có 1,6 triệu lượt khách quốc tế.
|
Một sự kiện nổi bật của du lịch Quảng Nam năm 2013 là phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch mới của Quảng Nam đến các doanh nghiệp du lịch tại TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh vào tháng 11 vừa qua. Dịp này, những sản phẩm du lịch cộng đồng tại các làng Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), Bhờ Hôồng và Đhơ Rôồng (huyện Đông Giang), Không gian nhà Việt Nam - Vinahouse Space, Bảo tàng Điện Bàn... lần đầu tiên đồng loạt ra mắt tại hai đầu đất nước. Dù được đánh giá cao, nhưng với các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam, sự hưởng ứng những sản phẩm này còn khá dè dặt. Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Hoa Hồng Travel (Hội An) cho biết, do tính chất kinh doanh nên việc chọn sản phẩm để khai thác phải phù hợp với doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty chưa nhận được những thông tin cụ thể về các điểm du lịch mới nên rất khó để xây dựng chương trình đưa khách đến tham quan.
Với các địa phương, do hạn chế từ nhiều yếu tố như kinh phí, chất lượng điểm đến... nên công tác phối hợp quảng bá có những vướng mắc nhất định. Theo bà Lưu Thị Hiền Phương - Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, dù địa phương rất có tiềm năng về du lịch nhưng đến nay vẫn chưa có sự phối hợp từ các cấp, ngành trong tỉnh, Phòng VH-TT Duy Xuyên chủ yếu tự tổ chức quảng bá thông qua các kênh truyền hình như VTV, HTV... “Để tham gia quảng bá với Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, cần kinh phí rất lớn mà đơn vị thì không đủ khả năng. Nếu Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh thấy điểm du lịch nào của huyện cần quảng bá, phòng sẵn sàng hợp tác” - bà Phương nói. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Tú, việc xúc tiến giới thiệu sản phẩm phải có sự phối hợp của doanh nghiệp và địa phương vì trung tâm không đủ điều kiện để quảng bá xúc tiến hết các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. “Kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến của trung tâm mỗi năm chỉ 250 triệu đồng, trong khi số tiền dành cho công tác này hằng năm phải khoảng 1 tỷ đồng mới đủ. Do đó, chúng tôi cần có sự hỗ trợ, đóng góp từ các địa phương khi tham gia”.