Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) với hơn 400 năm lịch sử tồn tại và phát triển là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời của tỉnh Quảng Nam. Đến nay, Phước Kiều đã có những bước tiến dài. Theo số liệu của UBND xã Điện Phương, Phước Kiều hiện có 4 doanh nghiệp, 29 cơ sở sản xuất, 25 cửa hàng giới thiệu sản phẩm…, doanh thu của làng nghề năm 2010 đạt 29,5 tỷ đồng. Những sản phẩm của làng nghề như đồ thờ tự, lư hương, cồng chiêng, chuông chùa, tượng các loại… rất tinh xảo, có hàm lượng giá trị văn hóa cao nên được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Đặc biệt, nghề chế tác cồng chiêng của làng nghề cần phải được bảo tồn và phát triển vì có liên quan đến “nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” mà Nhà nước đã cam kết với UNESCO, đây là một trong những điều kiện quan trọng để Phước Kiều phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, làng nghề còn rất có lợi thế về địa lý do nằm trên quốc lộ 1A, cách TP.Đà Nẵng 25km về phía Bắc, cách TP.Tam Kỳ 40km về phía Nam, và đặc biệt Phước Kiều là nơi gặp nhau của 2 điểm đến di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Hàng năm, lượng du khách đi qua địa bàn là rất lớn nên Phước Kiều sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thu hút khách du lịch và tiếp cận đối tác.
Trong những năm gần đây, để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, khuyến khích làng nghề phát triển, Trung tâm Khuyến công tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ kinh phí cho DN, cơ sở sản xuất của làng nghề tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, đồng thời hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông, đào tạo nguồn nhân lực… cho làng nghề. Với khu trưng bày giới thiệu sản phẩm mới được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ xây dựng năm 2005, Phước Kiều không chỉ có điểm dừng chân cho du khách khi đến thăm quan mà còn có cơ hội giới thiệu một cách đầy đủ nhất sản phẩm, kỹ thuật chế tác cũng như những giá trị văn hóa của làng nghề.
Mục tiêu dài hơi
Căn cứ vào hiện trạng phát triển và dự báo làng nghề đúc đồng Phước Kiều còn nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề ra mục tiêu dài hơi cho dự án. Đến năm 2015, làng nghề Phước Kiều sẽ hoàn thành và khai thác tốt mô hình làng nghề - du lịch, gắn sản xuất với kinh doanh; biểu diễn nhạc cụ cồng chiêng và tổ chức cho du khách tham quan các làng nghề truyền thống trên địa bàn xã Điện Phương, trong đó làng nghề đúc đồng Phước Kiều là điểm đến trung tâm; từ sự phát triển bền vững của làng nghề sẽ tiến đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới... Cụ thể, đến năm 2015, mỗi năm Phước Kiều sẽ thu hút khoảng 500.000 lượt khách tham quan, doanh thu của làng nghề đạt từ 22-25 tỷ đồng/năm, tăng thu nhập cho lao động của làng nghề từ 15 triệu đồng/năm lên 40 triệu đồng/năm.
Để thực hiện được mục tiêu này, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Trung tâm Khuyến công tỉnh thực hiện các chương trình phát triển sản phẩm tiêu biểu và chương trình xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sâu rộng hơn nữa sản phẩm của làng nghề, đồng thời khẳng định thương hiệu sản phẩm đúc đồng “Phước Kiều” đã được đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ.
Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ cho làng nghề thiết bị nấu đồng theo công nghệ mới, nâng cấp đường giao thông, hệ thống chiếu sáng công cộng, xây dựng nhà biểu diễn nhạc cụ cồng chiêng, bãi đỗ xe công cộng cho các tuyến xe khách đến thăm quan làng nghề… Hơn nữa, tỉnh sẽ làm đầu mối liên kết cho các làng nghề tại địa phương cùng phối hợp với Phước Kiều phát triển thành một chuỗi các điểm du lịch làng nghề; tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề, nâng cao năng lực cho DN, cơ sở sản xuất của làng nghề, đặc biệt chú trọng đào tạo những kỹ năng về bán hàng, hướng dẫn viên du lịch, du lịch cộng đồng cho lực lượng hướng dẫn viên tại Phước Kiều. Ngoài ra, Quảng Nam sẽ phối hợp với làng nghề cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, xây dựng các công trình xử lý rác thải…/.