Và cũng không ở đâu có người Mẹ đi qua những tang thương của chiến tranh rồi được quê hương, đất nước ôm ấp trong hoà bình như vậy – Mẹ đã sống đến tuổi xưa nay hiếm, hưởng dương 107 tuổi.
Và rồi… 10h sáng 14/12/2010 từ mọi miền khắp đất nước, hàng đoàn người nhẹ nhàng đến xóm Rừng, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để tiễn Mẹ về với cõi vĩnh hằng, về gặp các con, cháu của Mẹ, gặp lại 6000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên mảnh đất Điện Bàn, gặp người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi “vang bóng một thời” cũng cùng ở thôn Thanh Quýt với các con của Mẹ…
“Nước mắt Mẹ không còn, để khóc những đứa con…”
“Bên ngoài gió thổi Nam non
Con đà say giấc… mẹ còn hát ru…”
Cô gái dệt lụa đẹp nhất xóm Rừng năm nào đã gửi gắm hết tâm tư tình cảm và niềm mong mỏi vào từng câu hát à ơi ru hời đưa con say giấc. 12 người con gồm 11 trai và 1 gái đầu lòng đã theo lời ru của mẹ lần lượt lớn lên, thấm đẫm từng câu ca trong nhọc nhằn mà yêu thương. Rồi đến lúc Tổ quốc gọi, Mẹ Thứ lần lượt tiễn các con đi…
“Nước mắt Mẹ không còn, để khóc những đứa con…”
Trong cùng một năm 1948, Mẹ lần lượt nhận tin ba anh con trai đã hy sinh. Trong ký ức của bà Lê Thị Trị, người con gái đầu hiện nay còn sống với Mẹ vẫn nhớ như in: “Mỗi lần nghe tin một đứa con hy sinh, Mẹ cắn răng khóc thầm. Có mấy bận giấy báo tử các anh tôi liên tiếp từ chiến trường báo về, Mẹ thẫn thờ lặng im hoặc quẩn quanh trong vườn nhà nhặt cái này, lượm cái kia như người mê sảng”.
Rồi Mẹ lại tiếp tục tiễn sáu người con lên đường đi chiến đấu. Đêm nào, Mẹ cũng thắp hương cầu khấn trời Phật phù hộ cho các anh, gửi gắm sáu đứa đang còn trong khói lửa. Mẹ xin các anh che chở, dẫn đường cho nhau, mau đánh thắng giặc mà trở về bên Mẹ.
Mẹ thề dâng con mình cho nước, vì đời các con Mẹ đã đặt Tổ quốc trên đầu, bằng tấm lòng người Mẹ, “có con sa trường chỉ mong ước rằng, ngày sau nước còn công ấy nhờ con…”.Đau đớn sao, năm trong sáu người con của Mẹ lại tiếp tục nằm xuống. Mọi mong mỏi của mẹ chỉ còn dồn vào anh Lê Tự Chuyển – biệt động thành Sài Gòn. Nhưng sáng ngày 30/4/1975, anh cũng đã hy sinh trong phút giây đất nước toàn thắng…
Đâu chỉ có thế, người con rể Ngô Tường và cháu gái Ngô Thị Cúc (chồng và con của bà Trị – con gái đầu của Mẹ Thứ) cũng đã hy sinh. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, vai Mẹ nặng tang 11 đứa.
Mẹ về với các con của Mẹ !
Trong bốn ngày, từ 10 – 14/12/2010 hàng vạn người từ khắp nơi đổ dồn về đưa tiễn Mẹ.
Đại tá – NSNA – Nhà báo Trần Hồng xúc động: “
Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã hiến dâng các con mình cho Tổ quốc. Khi đất nước lâm nguy, đấy là trách nhiệm và một niềm vinh dự, nhưng với Mẹ Thứ nỗi đau thương lại quá mức tột cùng. Ai ai đến thăm, chăm sóc Mẹ lặng lẽ nhìn lên trang thờ thẳng hàng 9 bằng “Tổ quốc ghi công” đều xúc động, rơi nước mắt. Tôi đã về với Mẹ rất nhiều lần, đây là lần sau cùng tôi được nhìn thấy Mẹ. Mẹ bình an, thanh thản, đắp chăn như đang nằm ngủ, bên trên được phủ rất nhiều hoa tươi. Nhìn Mẹ qua nắp quan tài bằng thủy tinh trong suốt, Mẹ đẹp hiền từ, nhân hậu quá!”
Vậy là người Mẹ gánh trọn nỗi đau mất người thân đằng đẵng hơn một thế kỷ đã ra đi trong niềm thương vô hạn của cả nước và bạn bè quốc tế. Mẹ đi trong tiếng nhạc quân hành, trong sự tiễn đưa của hàng ngàn, hàng triệu người con đất Việt.
Đến giờ, Mẹ đã về với các anh… Đất đã ôm lấy người phụ nữ kiên trung - người Mẹ Việt Nam Anh hùng huyền thoại. Sẽ không còn cảnh người mẹ mù lòa nghe gió đùa phên cửa, ngỡ ngàng hoảng hốt giật mình tưởng các con về, rồi lại mò mẫm, sờ từng di ảnh, gọi tên từng đứa đã nằm lại ở những mảnh đất xa xôi của Tổ quốc thân yêu…
Mẹ đã về trời để được gặp các anh !
Đất nước ViệtNam cùng tất cả chúng con nợ Mẹ, nợ các anh! Ngày nào dân chưa giàu, nước chưa mạnh, xã hội chưa dân chủ, công bằng, văn minh, toàn vẹn lãnh thổ chưa được đảm bảo, là khi ấy chúng con còn đang canh cánh trong lòng, còn nặng nợ - Nợ những bà Mẹ Anh hùng như Mẹ Nguyễn Thị Thứ và nợ hàng triệu người con ưu tú - những anh hùng bất tử đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đã nằm lại với đại ngàn, đã hóa thân vào đất trời…