Trong suốt thời bao cấp, có thể nói bất cứ vị lãnh đạo cao cấp nào từ Hà Nội vào Quảng Nam, đều đã đến thăm bảo tàng này, bởi tại đây có một bộ sưu tập hiện vật thể hiện một vùng đất ngoan cường và thảm khốc nhất trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập và nhiều giá trị lịch sử cận đại khác. Cũng tại đây, cây bút dùng ký vào hiệp định Paris năm 1973 cũng đã được bà Nguyễn Thị Bình trao tặng, trưng bày…
Chị Đinh Thị Hiệp, người phụ trách Bảo tàng Điện Bàn liên tục từ năm 1985 đến nay cho biết, đã có hơn 12 ngàn đơn vị hiện vật và hàng ngàn hình ảnh, bản đồ, tranh vẽ xưa đã được sưu tầm, không chỉ liên quan đến hai cuộc chiến tranh, mà còn gắn liền với các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, phong trào yêu nước trước năm 1930, nghệ thuật Tuồng, bộ đèn cổ của một tư nhân hiến tặng…Trong những hiện vật quý hiếm mà do điều kiện bảo quản chưa đầy đủ nên không thể công bố, chúng tôi thấy có bộ bia đá Văn Từ phủ Điện Bàn có từ triều vua Tự Đức, những khẩu súng thần công thời các chúa Nguyễn và cả bức vẽ của một thương nhân Nhật Bản về hoạt động của các chúa tại dinh trấn Thanh Chiêm cùng hoạt động của tàu thuyền từ cảng Hội An đến chợ Củi từ thế kỷ 17… Nó ra đời ngay khi nhân dân cả huyện bắt tay xây dựng quê hương sau chiến tranh bằng công sức của nhân dân, vì chúng tôi ý thức rằng đây là vùng đất dinh trấn Thanh Chiêm, có lịch sử hơn 400 năm, là “tiền cung” của công cuộc khai phá lãnh thổ về phương Nam và mở mang ngoại thương xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, là nơi sản sinh ra chữ Quốc ngữ từ thế kỷ 17, cái nôi của nghệ thuật Tuồng, là vùng đất học mang tên Ngũ phụng tề phi và sự hy sinh xương máu “nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi” trong hai cuộc kháng chiến…với hàng vạn hiện vật, tư liệu quý giá. Gia sản này không thể không được giữ gìn cho các thế hệ mai sau…”.