Chi tiết tin tức
Triêm Tây, vùng đất lở bồi
Người đăng: Văn Hương .Ngày đăng: 12/02/2025 .Lượt xem: 91 lượt.
Tương truyền, đầu thế kỷ 19, một bãi bồi được hình thành từ phía Tây làng Kim Bồng. Ông Phạm An người làng Thăng Lộc làm Cai Tổng (Tổng Tân An, huyện Duy Xuyên) phát hiện vùng đất bãi bồi phù sa màu mỡ, đã đưa con cháu Tộc Phạm đến khai phá trồng trọt, dần dà thành ruộng, thành cồn, lúa khoai tươi tốt.

Ông Cai Tổng vận động quy dân lập ấp, cư dân các vùng kéo nhau đến canh tác và sinh sống đông đúc hình thành nên xóm Trường Thọ. Sau đó, một bãi bồi mới được hình thành phía Tây xóm Trường Thọ, ban đầu ông Lê Kiệt, ông Nguyễn Văn Hộ, ông Dương Tùng, ông Kiểm Nguyên đến khẩn canh, trồng dâu nuôi tằm, trồng đay lát dệt chiếu và trồng hoa màu để sinh sống. Lần lượt cư dân xóm Trung Gian, xóm An Phước và Kim Bồng quy tụ về sinh sống rất đông, hình thành nên xóm Phú Hòa.


 Hai xóm nhỏ Trường Thọ và Phú Hòa, được nhập vào địa bộ làng Phú Triêm. Khi chính quyền Việt Minh cải tổ đơn vị hành chánh lần thứ 1 vào năm 1946, thôn Triêm Tây thuộc xã Tân Phương. Đến năm 1948 sáp nhập lần thứ 2, thôn Triêm Tây và thôn Triêm Đông hợp thành thôn Bảy, thuộc xã Điện Minh, nên người dân quen gọi Triêm Tây là thôn Bảy lẻ.

Từ đó trong dân gian có câu ca:

Ai về vùng đất Điện Minh

Ghé thăm thôn Bảy địa đầu cheo leo

Phú Triêm Đông cùng với Phú Triêm Tây

Đường đi cách trở nhưng lòng nhớ thương.

Địa danh thôn Bảy lẻ, xã Điện Minh tồn tại đến năm 1955, khi chính quyền miềm Nam cải tổ đơn vị hành chánh thì Triêm Tây trở thành thôn 1 thuộc xã Vĩnh Thọ. Sau năm 1975 thôn Triêm Tây thuộc xã Điện Phương, nay là khối phố Triêm Tây thuộc phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Khi mới hình thành, hai bãi bồi Trường Thọ và Phú Hòa còn tách biệt một con sông thuộc nhánh sông Câu Lâu chảy từ An Phước qua Thanh Hà rồi theo sông Cái chảy về Hội An. Cư dân hai xóm này đi lại, qua đò ông Truyền, khách chỉ trả bằng nông sản tương xứng. Dòng sông này có bến Thầy Hồ, sau khi sông bị bồi lấp khoảng năm 1930 thì có bến Dầu Lai. Tại các bến, thuyền buôn neo đậu tấp nập, trao đổi hàng hóa theo mùa vụ. Thuyền phát xuất từ Hội An, chợ Gò Mõ Neo hay Câu Lâu đến. Hàng hóa gồm nhu yếu phẩm: dầu, chè, mắm muối, cá thịt, thuốc lá… Hàng trao đổi gồm nông sản, chiếu cói, tơ tằm, khoai, bắp và đậu phộng là những mặt hàng có thế mạnh của làng Triêm Tây thời đó, được thuyền buôn mang đi tiêu thụ trong Nam ngoài Bắc. Từ các bến này thuyền xuôi theo sông Trường Giang vào chợ Bàn Thạch, chợ Bà, chợ Được hay chợ Bà Bầu ở Tam Kỳ.

Đặc điểm của xóm Phú Hòa là làm nông nghiệp, còn xóm Trường Thọ làm nghề xây dựng. Đất đai ở Phú Hòa lở bồi, hàng năm do lũ lụt bồi lấp không ổn định. Đất trồng lúa rất ít, cư dân Phú Hòa chủ yếu trồng hoa màu, đay lát dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm và trồng đậu phộng. Nghề dệt chiếu do ông bà Nguyễn Văn Hộ mang từ làng An Phước về được truyền lại cho dân làng. Các mặt hàng chiếu trổ, chiếu in hoa, chiếu song đôi nhiều màu sắc rực rỡ cùng với tơ tằm và đậu phộng được thuyền buôn thu mua nhiều nhất. Còn xóm Trường Thọ thì có nhiều thợ xây dựng trở thành nhà thầu tên tuổi được khẳng định trong mảng kiến trúc nhà cao tầng, biệt thự, khách sạn, đền chùa và nhà thờ. Do thành công và tay nghề cao, trong lĩnh vực  xây dựng ông Võ Hồ Kiệm (ông Nghệ Phụng) được Triều đình thụ phong Hàn Lâm Viện Kiểm Tịch và Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo, ân thưởng Long Bội Tinh đệ ngũ hạng Đại Nam Kiêm Tiền và Đại Nam Kim Khánh. Ông Võ Văn Vinh (ông Nghè Bảy) được ân thưởng Long Bội Tinh đệ ngũ hạng Đại Nam Kiêm Tiền. Ông Võ Xuân Dương (ông Nghè Tám) được thụ phong Ngũ phẩm văn giai và Hàn Lâm Viện Đãi Chiếu. Đây là vinh dự lớn của làng Triêm Tây nói riêng và Phú Triêm nói chung.

Lăng thờ Ngũ Hành ở xóm Trường Thọ được khởi công vào khoảng năm 1933, là công trình do chính những bàn tay tài hoa của làng xây dựng nên. Lăng tọa lạc ở trung tâm xóm, xây về hướng Bắc. Một quần thể kiến trúc bề thế, được mô phỏng theo phong cách của triều Nguyễn, các hoa văn họa tiết được cẩn mảnh rất uy nguy. Công trình gồm có một Lăng thờ Ngũ Hành và hai nhà Đông trù, Tây trù để phục vụ trong các lễ hội, hai nhà này còn được mở lớp dạy học cho con em ở trong làng và dạy học trò lễ cho các thanh thiếu niên. Rất tiếc lăng Ngũ Hành cổ kính này không được bảo tồn lâu dài, do nhiều biến động của thời cuộc nên bị tàn phá. Năm 1998 các cụ cao niên vận động dân làng hưởng ứng tái lập Lăng thờ Ngũ Hành. Lăng được mô phỏng theo kiến trúc lăng cũ, xây dựng kiên cố ở vị trí cách lăng cũ 50m về hướng Nam. Kế tiếp ở vị trí bên phải của lăng Ngũ Hành, dân làng xây thêm miếu thờ Thần Hoàng.


 Một làng quê như  ốc đảo, bốn bề là sông nước, muốn đi Hội An phải qua đò Bà Nữ, đi Thanh Hà phải qua đò Bà Chi, đi An Phước phải qua đò Bà Thừa hay Bà Giỏ, đi Hà Nhuận phải qua đò bà Ngân. Những chủ đò và bến đò này cũng thay đổi qua nhiều thế hệ và nhiều giai đoạn. Những vụ mùa thu hoạch đay lát, nông sản trên bến dưới thuyền tấp nập, kẻ gánh người vác tiếng hò tiếng hát vang vọng dưới ánh trăng.

Nhưng rồi chiến tranh ập đến, các trận càn quét và bố ráp, lửa đạn tàn phá làng xóm tiêu điều, nhà cửa bị đốt cháy hoặc bị giặc Pháp tháo dỡ mang đi xây dựng đồn bốt. Nhiều cán bộ, nhân dân bị bắt hoặc hy sinh khi vượt sông Hà Nhuận. Dân làng phải chạy tản cư khắp nơi. Sau mỗi lần tản cư trở về, ruộng đồng hoang hóa, lương thực cạn kiệt, thiếu muối, thiếu rau, làng trên xóm dưới nhiều người ốm đau không qua khỏi. Không chỉ có chiến tranh, Triêm Tây còn hứng chịu bao cảnh thiên tai, lũ dữ. Đặc biệt là trận lũ kinh hoàng năm Giáp Thìn 1964, cả làng chìm trong biển nước, xóm Phú Hòa bị sạt lở, gần một nửa đất đai bị bồi lấp. Hằng năm, nhiều nhà cửa phải di dời, chạy lũ như chạy giặc, cuộc sống người dân chịu chung số phận của thời cuộc và sự bồi lở của dòng sông. Chiến tranh ngày càng leo thang, lửa đạn bao trùm cả nông thôn thành thị. Nhiều lần đạn pháo từ Cẩm Hà, Vĩnh Điện bắn vào thôn Triêm Tây gây chết chóc và bị thương nhiều người, nhà cửa và chùa chiềng sụp đổ. Dân làng người thì đi lánh nạn tại Hội An, Đà Nẵng, người thì ở lại phải bám trụ với quê hương. Trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa bàn Triêm Tây là nơi đứng chân hoạt động của cán bộ và du kích các xã Điện Thành và Cẩm Kim…, cũng là nơi cung cấp lương thực, thuốc men cho tuyến đầu của lực lượng vũ trang huyện, thị.

Sau ngày hòa bình thống nhất, năm 1975, dân làng trở về đông đúc, nhưng thiếu đất sản xuất, không có việc làm, nhà nước vận động đi xây dựng kinh tế, lập nghiệp ở Đak Lak, Trà My. Dù dân số giảm nhiều nhưng vẫn thiếu đất canh tác, nhà nước có chủ trương hợp tác hoá nông nghiệp, đời sống vẫn khó khăn, thợ thuyền người Triêm Tây phải ra Bắc hay vào Nam để tìm kiếm việc làm. Năm 1986, xóa bỏ bao cấp chuyển hướng theo nền kinh tế thị trường, từng bước kinh tế hồi phục, lạm phát giảm, hàng hóa lương thực dồi dào, đời sống nhân dân ngày càng ổn định. Năm 1994, thôn Triêm Tây  có điện thắp sáng. Năm 2001 đường nông thôn được bê tông hóa. Từ năm 2009, các dự án du lịch ven sông được hình thành. Các chủ đầu tư triển khai chống xói lở bằng phương án cừ tre, trồng cây truồi, nên giữ được bờ sông đến ngày hôm nay. Với sự hỗ trợ của UNESCO và Tổ chức ILO trong khuôn khổ dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững miền Trung”, qua các hoạt động thử nghiệm các dịch vụ du lịch, người dân Triêm Tây đã dần hoàn thiện bộ sản phẩm dịch vụ: Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây. Ngôi làng rợp bóng tre xanh, là nơi lý tưởng cho tour đi bộ trên những con đường làng hai bên xanh mướt chè tàu. Cùng trải nghiệm chèo thuyền, thả diều, dệt chiếu, trồng rau, giao lưu với dân làng...

Năm 2016 cây cầu sắt nối liền Cẩm Kim đi Hội An được hình thành. Cảnh qua sông phải lụy đò được chấm dứt. Năm 2018, cầu Duy Phước cũng đưa vào sử dụng, đò Bà Ngân cũng kết thúc. Cư dân Triêm Tây và Cẩm Kim đi Duy Phước, Nam Phước được thuận lợi. Năm 2021 cây cầu Cẩm Kim nối liền Triêm Tây và Thanh Hà được khánh thành, trục quốc lộ 14 H đã khai thông, từ Mỹ Sơn, Nam Phước đi Hội An và ngược lại đã có đường mới thuận lợi hơn.

Ngày xưa việc dạy và học ở làng Triêm Tây rất khó khăn, con em trong làng chỉ được đi học tại nhà các thầy. Sau đình chiến 1954, xã Vĩnh Thọ cử thầy Vân, thầy Lang và thầy Lư về mở lớp dạy trong Lăng Trường Thọ. Năm 1959, thầy Tiên và thầy Tưởng dạy hai lớp ở Phú Hòa, trong làng chỉ học đến lớp 3, lên lớp nhì và lớp nhất phải gửi con em đi học các trường Cẩm Kim hay Cẩm Hà, vào trung học phải đi Hội An. Năm 1961, ông Võ Hữu Thu người con của làng Triêm Tây tài trợ cho làng xây dựng một trường tiểu học kiên cố đầy đủ trang thiết bị, đặt tên trường là Phú Kim. Các cô thầy được bổ nhiệm về trường đều qua các lớp sư phạm nên việc dạy và học rất quy củ. Năm 1964, bị sạt lở nên chính quyền huy động dân làng tháo dỡ hai phòng học ở xóm Phú Hòa về xây dựng trong khuôn viên trường Phú Kim, hoàn chỉnh một trường tiểu học gồm 5 lớp. Học sinh ở Cẩm Kim và ở Duy Phước theo học rất đông và tiến bộ. Khi chiến tranh lan rộng,  trường phải đóng cửa. Sau năm 1975 trường mở dạy lại nhưng học sinh không nhiều vì các em đã theo gia đình đi kinh tế mới và do cách sông trở đò, việc dạy và học không ổn định nên việc học của con em được chuyển sang trường Cẩm Kim, Hội An.

Tại Triêm Tây còn có ngôi chùa mang tên chùa Phú Thọ, lễ an vị và khánh thành được tổ chức vào cuối năm 1966. Giáo hội và gia đình phật tử được hình thành và sinh hoạt ổn định. Năm 1968, đạn pháo bắn phá vào Triêm Tây gây nhiều thiệt hại, ngôi chùa cũng bị sập đổ mái trước. Năm 1969, được dân làng đồng ý giao phần đất tế tự của Lăng Trường Thọ để mở rộng vườn chùa. Giáo hội và gia đình phật tử huy động di dời ngôi chùa đến vị trí mới xây dựng lại khang trang hơn. Qua thời gian, quy mô của chùa ngày càng phát triển, xây dựng nhà tăng quy mô 2 tầng, nhà khách và ngôi Bảo Điện. Một ngôi chùa khang trang bề thế đã hiện hữu sau gần 60 năm ở làng quê Triêm Tây.

Một làng quê yên ả, thanh bình giàu bản sắc văn hóa, những đêm trăng trên bến dưới thuyền, những lời ca, những điệu hò, điệu lý văng vẳng một khúc sông. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, qua bao năm tháng lở bồi, những dấu ấn văn hóa lịch sử vẫn còn đọng mãi trong lòng người dân Triêm Tây.

[Trở về]
Các tin cũ hơn:
Khu du lịch sinh thái Bồ Bồ



 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập