Tại khu du lịch này đã hình thành một không gian nhà nón lớn được lấy từ ý tưởng của chiếc nón lá, một nét đẹp văn hóa truyền thống, một biểu tượng hồn quê của người Việt Nam.
Ngôi nhà nón với đường kính 26,8 m, chiều cao 12 m, được thiết kế với 17 cột thép và 17 kèo thép tổ hợp chữ I và được đặt trên nền móng sân bê tông hình tròn có đường kính tim cột 22 m. Ngôi nhà với ý tưởng cách điệu hình chiếc nón lá tuy mộc mạc, giản dị, đơn sơ nhưng phù hợp với phong thủy, nếp sống văn hóa làng quê Việt.
Ngôi nhà nón với mái lợp là gáo dừa của “Xứ dừa” nổi tiếng Bến Tre, được cắt thủ công tỷ mỷ theo một quy cách với hình dáng và cách sắp xếp dựa vào một truyền thuyết dân gian kinh điển “cá chép hóa rồng” biểu tượng cho sự can đảm, may mắn, thành công và chiến thắng. Độ bền của những miếng lợp bằng gáo dừa có thể tồn tại hàng trăm năm, lại cách nhiệt và chống cháy, rất tốt, đảm bảo sự thông thoáng, mát mẻ trong mùa hè.
Trần mái bên trong lấy ý tưởng từ những ngôi nhà sinh thái lá mái rất đơn sơ và thân thiện. Các nhà thiết kế đã dựa vào hình ảnh thân cây dừa để tạo ra thanh nan gỗ ốp trần. Đã có hơn 50.000 thanh nan gỗ được gia công kỹ lưỡng và lắp trên trần mái, tạo thành các vòng tròn đồng tâm, nhỏ dần lên đến tận đỉnh chóp, cảm giác như những đường chỉ khâu nón cho ta thấy sự thẩm mỹ kỳ công, độc đáo của ngôi nhà nón . Ngoài ra trần mái còn có tác dụng cách nhiệt cực tốt, toàn bộ trần nhà được làm từ loại gỗ sưa quý hiếm, đảm bảo rất tốt cho sức khỏe. Viền quanh mái là một vành đai vòng tròn được bện bằng vật liệu mây thân thiện có công dụng như một máng thu nước từ mái đổ xuống. Viền sơn màu trắng tinh tế bao bọc quanh nhà, tạo cảm giác thanh tao, hoàn hảo. Vòng tròn biểu trưng cho bầu trời (cung hoàng đạo), cho cuộc sống (vòng tròn âm dương), cho thời gian ( mặt đồng hồ), cho sự vận động và đổi chuyển (bánh xe luân hồi). Hàng cột tròn đường kính chỗ to nhất 1m06, cao 3m4, chạy xung quanh nón gồm 17 cây đỡ mái, các cột cách nhau 4 m06.
Các thông số kích thước đều tuân thủ nghiêm ngặt các cung số tốt trên thước lỗ ban hợp chuẩn phong thủy. Mỗi cột có 3 phần cổ cột, thân cột , chân cột. Thân cột được ốp bằng các thanh gỗ dài 3 m sát nhau. Lấy ý tưởng cách điệu như 17 thiếu nữ, 2 bên cột có các rèm gỗ được cách điệu như 2 cánh tay. Nhìn xa hướng về không gian nhà nón như có 17 thiếu nữ đang cùng nhau giang tay nâng một chiếc nón khổng lồ, tay họ nắm lấy nhau với biểu tượng hoa văn cánh sen nổi bật chính giữa nhà. Hình ảnh này có ý nghĩa rất sâu sắc về sự đoàn kết, đồng lòng với 17 thiếu nữ đang nắm tay thành vòng tròn như bao bọc cho sự an yên của ngôi nhà.
Không gian bên trong rất rộng và thoáng , diện tích lên đến 430 m2, xung quanh chỉ có hàng cột, không có vách, đảm bảo ít cản gió, kết hợp kết cấu các khung dầm thép chịu lực của ngôi nhà nên khi có giông bão thì ngôi nhà vẫn rất vững chãi và an toàn.Trần nón được decor tinh tế đơn giản mà đẹp mắt. Những chiếc nón xuất xứ từ làng nón truyền thống Quế Minh, một làng nón nổi tiếng xứ Quảng đã 400 năm tuổi, có 24 cỡ nón, với chiếc lớn nhất có đường kính 3,5 m. Cụm nón lớn nhất treo ở chính giữa, 17 cụm nhỏ treo xung quanh, khi nhìn vào ta có liên tưởng đến sự tảo tần của người phụ nữ hai vai gánh nặng cả đàn con thơ dại.
Xung quanh viền nón treo 17 đèn lồng trang trí, vỏ đèn đục thủy hình hoa mai được gia công bởi các bàn tay nghệ nhân của làng đúc Phước Kiều nổi tiếng. Hình dáng của chiếc đèn được cách điệu từ một loại trang sức rất phổ biến và gần gũi của phụ nữ Việt Nam, đó là chiếc bông tai, sẽ làm cho ngôi nhà trở nên duyên dáng. Lan can của ngôi nhà được đặt giữa 2 cột liền nhau, lấy ý tưởng hình hoa văn cánh sen kết hợp với cách điệu độc đáo hình ảnh tà áo dài thân thuộc của phụ nữ Việt.
Ngôi nhà nón này có mặt nền hoàn thiện bằng kỹ thuật trát đá mài (granito), bề mặt nền nhẵn bóng, các hạt đá phân bổ đều đặn. Đá được lấy từ làng đá nổi tiếng Non nước, nghiền thành viên nhỏ li ti, màu trắng rất đẹp mắt được trang trí theo ý tưởng cách điệu hình trống đồng Đông Sơn. 17 vòng roan đồng to dần từ tâm nhà tỏa ra được các nghệ nhân Phước Kiều lên ý tưởng và đảm nhận gia công cho ngôi nhà thêm hoành tráng, xinh đẹp.Chân móng nổi bật lớp ốp loại đá Phước Tường mộc mạc và rất đỗi thân thuộc với làng quê Việt Nam.Đèn pha trang trí cho ngôi nhà được đặt trong những hộp gỗ cách điệu hình hoa mai, một loài hoa biểu tượng cho sức sống, dồi dào của mùa xuân thuần khiết và tràn đầy sức sống.
Nhìn toàn cảnh ngôi nhà nón , ta hình dung được ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự đoàn kết, đồng lòng phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Đó là tám lòng hoài niệm trân quý những giá trị của quê hương với hình ảnh chiếc nón lá gần gũi thân thương, tà áo dài truyền thống duyên dáng với hoa văn cánh sen biểu trưng cho sự thanh cao, bất khuất của người quân tử.
Đó còn là đóng góp cho trào lưu nhà sinh thái, một nhánh rất quan trọng trong dòng chảy của kiến trúc đương đại.
Tất cả góp phần xây dựng nên một biểu tượng rất Việt Nam “Nón lá gần gũi, thân thiện, chân quê” để giới thiệu quảng bá đến bạn bè quốc tế!