Chi tiết tin tức
Dinh trấn Thanh Chiêm và tôn vinh chữ quốc ngữ.
Người đăng: Trần Đức Anh Sơn .Ngày đăng: 10/02/2017 .Lượt xem: 1070 lượt.
Ngày 24.8.2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ tại Le Belhamy Resort (Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam). Có 70 tham luận được gửi đến hội thảo và hơn 200 nhà nghiên cứu, đại biểu đến từ nhiều nơi, trực tiếp tham gia hội thảo.

Trong phát biểu tổng kết hội thảo, đại diện Ban tổ chức hội thảo đã đưa ra 2 kết luận: [1]. Linh mục Francisco de Pina là người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ; [2]. Thanh Chiêm là nơi khai sinh ra chữ quốc ngữ; và 1 khuyến nghị: Cần phải bảo tồn Dinh trấn Thanh Chiêm và đề nghị xếp hạng di tích này là Di tích LS-VH quốc gia.


Đình làng Thanh Chiêm, nơi lưu dấu Dinh trấn Thanh Chiêm xưa. 
      Là người tham dự hội thảo này, tôi rất quan tâm những kết luận và khuyến nghị nói trên. Vì thế, tôi muốn nói thêm đôi lời về những việc có liên quan mật thiết đối với việc bảo tồn Dinh trấn Thanh Chiêm và vinh danh vai trò của cha Francico de Pina và chữ quốc ngữ.

1. Trước khi vào hội thảo, tôi và một số đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng đã đến thăm đình làng Thanh Chiêm, một dấu tích quan trọng của Dinh trấn Thanh Chiêm xưa. Tại đây, chúng tôi gặp bác Đinh Trọng Tuyên, người gốc Thanh Chiêm, đã cùng con trai là Đinh Bá Truyền, bỏ công nghiên cứu quê hương mình trong nhiều năm để biên soạn cuốn sách Dinh trấn Thanh Chiêm (xuất bản năm 2011) rất giá trị. Chúng tôi cũng gặp linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, người đã có những công bố quan trọng về vai trò của linh mục Francisco de Pina (1585 - 1625) và của Thanh Chiêm đối với sự hình thành chữ quốc ngữ. Chúng tôi đã được bác Đinh Trọng Tuyên và linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng đưa đi khảo sát một số dấu tích của Dinh trấn Thanh Chiêm xưa, thăm Nhà thờ công giáo Phước Kiều ở Điện Phương, Điện Bàn, là chứng tích khai sinh chữ quốc ngữ, nơi có 3 ngôi mộ cổ mà nhiều người tin rằng trong đó có mộ của linh mục Francisco de Pina. Chúng tôi cũng đã đến thăm những nơi mà GS.TS Kikuchi Seiichi (nhà khảo cổ học đang giảng dạy tại Trường Đại học Showa ở Tokyo, Nhật Bản) từng mở 4 hố khai quật vào năm 1999 và 2000 để tìm kiếm vết tích của Dinh trấn Quảng Nam xưa.

Chuyến điền dã trước hội thảo này đã cung cấp cho tôi nhiều thông tin thú vị, góp thêm nhiều chứng cớ thuyết phục để khẳng định Dinh trấn Quảng Nam xưa từng tọa lạc ở Thanh Chiêm, và đó là lý do ra đời tên gọiDinh trấn Thanh Chiêm hiện dùng, cho dù vẫn còn nhiều ý kiến chưa tán đồng tên gọi này.

Trải qua hơn 400 năm, dinh trấn xưa đã trở thành bình địa. Vết tích của dinh trấn chỉ còn lưu trong sử sách nhưng khá ít ỏi. Những chứng cứ khảo cổ học về dinh trấn do GS.TS. Kikuchi Seiichi và các đồng nghiệp ở Quảng Nam khai quật cách đây hơn 15 năm cũng rất khiêm tốn, nên chưa thể xác định đầy đủ cấu trúc, quy mô và diện mạo của dinh trấn xưa. Đó cũng là lý do mà hồ sơ đề nghị xếp hạng Dinh trấn Thanh Chiêm là Di tích LS-VH quốc gia (gọi tắt là hồ sơ xếp hạng), vẫn đang được Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) “nâng lên, đặt xuống”.

Sau hội thảo ít lâu, GS.TS. Kikuchi Seiichi có chuyến du khảo đến Hội An cùng một số nhà nghiên cứu kiến trúc và khảo cổ học người Nhật Bản. Tôi, anh Nguyễn Xuân Hà -Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn và chị Lương Thị Mỹ Linh -Phó trưởng phòng VHTT thị xã, đã đến Hội An gặp GS.TS. Kikuchi Seiichi để thảo luận về việc mở rộng khai quật khảo cổ học Dinh trấn Thanh Chiêm nhằm tìm thêm các dấu tích của dinh trấn, sử dụng chứng cứ khảo cổ học để góp thêm bằng chứng cho hồ sơ xếp hạng.


Sơ đồ các phế tích của Dinh trấn Thanh Chiêm xưa dựa theo bản đồ của Google map hiện nay. 

  Tại cuộc gặp, GS.TS. Kikuchi cho biết là ông sẵn sàng hợp tác với thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam trong việc lập dự án nghiên cứu khai quật mở rộng di tích Thanh Chiêm. Ông sẽ viết proposal gửi đến lãnh đạo Trường Đại học Showa và các tổ chức khác của Nhật Bản để xin kinh phí tài trợ cho dự án trên, đồng thời sẵn sàng tham gia khai quật cùng các nhà khảo cổ học Việt Nam. Ông cũng khuyến nghị thị xã Điện Bàn nên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam như: Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, Sở VH,TT&DL Quảng Nam, Sở Khoa học tỉnh Quảng Nam… để lập dự án khai quật hoàn chỉnh, có đầy đủ cơ sở pháp lý và nỗ lực tìm kiếm kinh phí từ các nguồn của tỉnh Quảng Nam hoặc của trung ương, để mở rộng phạm vi khai quật nhằm tìm thêm chứng cứ cho hồ sơ xếp hạng.

Cách đây 3 tuần, tôi cũng nhận được điện thoại từ Cục Di sản văn hóa, tham vấn tôi về kết quả khai quật khảo cổ học đã được trình bày trong hồ sơ xếp hạng do tỉnh Quảng Nam trình Bộ VH,TT&DL, mà Cục này đang thẩm định. Sau khi trình bày ý kiến và nhận thức của mình, tôi kiến nghị Cục Di sản văn hóa tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép mở rộng khai quật khảo cổ học Dinh trấn Thanh Chiêm để bổ túc chứng cứ cho hồ sơ xếp hạng. Đại diện của Cục Di sản văn hóa cho biết Cục này sẵn sàng tạo thuận lợi trong việc cấp phép khai quật, cũng như công nhận Dinh trấn Thanh Chiêm là Di tích LS-VH quốc gia khi hồ sơ được bổ túc đầy đủ.

Vậy thì, vấn đề cần làm bây giờ là tiến hành mở rộng khai quật khảo cổ học Dinh trấn Thanh Chiêm, có thể phối hợp với GS.TS Kikuchi Seiichi và các đồng nghiệp Nhật Bản của ông, hoặc các nhà khảo cổ học ở Quảng Nam có thể đảm nhiệm công việc này với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp ở Viện Khảo cổ học Việt Nam. Theo tôi, đây là việc mà UBND thị xã Điện Bàn cần triển khai ngay.

2. Hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ diễn ra ở Điện Bàn, Quảng Nam, nhưng tiếng vang của hội thảo lan tận Lisbon (Bồ Đào Nha). Sau khi tôi đăng thông tin về hội thảo lên trang facebook cá nhân của tôi, thì bà Thuy Tien de Oliveira, thành viên Hội Hữu nghị Bồ Đào Nha - Việt Nam (Portuguese - Vietnamese  Friendship Association, viết tắt là NamPor) ở Lisbon đã liên lạc với tôi. Bà Thuy Tien de Oliveira xin một bản kỷ yếu hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ và tôi đã gửi bản pdf kỷ yếu này cho bà ấy.

Một tuần sau, tôi nhận được e-mail của bà Thuy Tien de Oliveira. Bà cho biết NamPor đang phối hợp với Hội Địa lý Lisbon (Geographic Society of Lisbon) tổ chức một hội thảo về mối quan hệ giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam trước đây, nhân kỷ niệm 400 năm ngày linh mục Francisco de Pina đặt chân đến Đàng Trong (1617 - 2017).

Theo bà Thuy Tien de Oliveira, sau khi đọc các tham luận trong kỷ yếu hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ, bà và nhiều vị lãnh đạo NamPor đã rất vui mừng khi biết nhiều tham luận tại hội thảo đã khẳng định linh mục Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) chính là cha đẻ của chữ quốc ngữ, thay vì quan điểm cho rằng linh mục Alexandre de Rhodes (người Pháp) là người có công lớn này. Đặc biệt, phía Bồ Đào Nha rất vinh dự khi biết nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã đề nghị tôn vinh linh mục Pina và vinh danh ông bằng việc đề xuất xây dựng Quảng trường Francisco de Pina ở Thanh Chiêm, Điện Bàn và dựng tượng của Ngài ở quảng trường này.

Tiếp sau e-mail của bà Thuy Tien de Oliveira, tôi nhận được Thư mời của ông Eduardo Kol de Carvalho, Chủ tịch Ủy ban châu Á của Hội Địa lý Lisbon mời tôi sang Lisbon (Bồ Đào Nha) tham dự hội thảo về Quan hệ giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam trong lịch sử, sẽ diễn ra tại trụ sở của Hội Địa lý Lisbon vào ngày 02/02/2017, để vinh danh linh mục Francisco de Pina nhân tròn 400 năm ngày Ngài đặt chân đến Đàng Trong và chọn Thanh Chiêm làm nơi khai sinh ra chữ quốc ngữ. Ông Eduardo Kol de Carvalho muốn tôi giới thiệu về vùng đất Thanh Chiêm, về Dinh trấn Quảng Nam đóng ở đây trong thế kỷ XVII, về lý do vì sao linh mục Pina chọn nơi này để sáng tạo ra chữ quốc ngữ, và quan trọng nhất là những dự định, kế hoạch của  Điện Bàn trong việc tôn vinh chữ quốc ngữ và vai trò khai sinh chữ quốc ngữ của linh mục Pina.

Ông Eduardo Kol de Carvalho cũng cho tôi biết, Ủy ban châu Á thuộc Hội Địa lý Lisbon là nơi lưu giữ rất nhiều tài liệu gồm: văn thư, tranh vẽ, ảnh tượng của linh mục Francisco de Pina, và ủy ban này sẵn sàng cung cấp cho Điện Bàn những tài liệu nói trên để trưng bày, triển lãm và dựng tượng linh mục Pina ở Thanh Chiêm như nhiều học giả đã đề nghị trong hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ.

Tác giả bài viết (thứ 2, từ trái sang) đang trao đổi với bác Đinh Trọng Tuyên (bìa trái) 
và người dân Thanh Chiêm.
     Tôi cũng nhận được thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế rằng trong năm 2017, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa sẽ sang thăm hữu nghị Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa sẽ đến Huế và có ý định viếng thăm những địa điểm và sử tích có liên quan đến Bồ Đào Nha ở Huế, xem những hiện vật lịch sử do người Bồ Đào Nha chế tác hiện còn lưu giữ trên đất Huế.

Vì thế, tôi cũng ước mong rằng Thanh Chiêm sẽ có cơ hội đón Tổng thống Bồ Đào Nha đến thăm trong dịp này, bởi nơi đây từng đón một công dân ưu tú người Bồ Đào Nha đến ở, truyền đạo và khai sinh ra chữ quốc ngữ, một di sản quý báu đã được công dân ưu tú đó - linh mục Francisco de Pina - khai sinh, được các học trò của Ngài và nhiều thế hệ người Việt hoàn thiện và phổ biến, và được người dân Việt Nam sử dụng làm chữ viết chính thống cho đến tận hôm nay.

Mong lắm thay!

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Hội thảo liên kết du lịch 3 địa phương Điện Bàn – Hội An – Duy Xuyên và Tour famtrip “Một hành trình nhiều điểm đến”
Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Bồ Bồ (19/7/1954 – 19/7/2024) và đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia - Di tích địa điểm Chiến thắng Bồ Bồ
Quảng Nam ở đâu trên bản đồ doanh thu du lịch Việt Nam nửa đầu năm 2024?
Quảng Nam quảng bá, xúc tiến du lịch tại Đài Loan
Quảng bá du lịch qua truyền miệng điện tử
Quảng Nam sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn
Đền thờ liệt sĩ Tiểu đoàn 76 Hải Đà đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn đón nhận Bằng công nhận di tích cấp tỉnh đối với 3 di tích trên địa bàn.
Cụ Bùi Thị Xong “Người có nụ cười đẹp nhất thế giới” làm đại sứ thương hiệu hình ảnh cho Công ty cổ phần Nhà Việt Nam Vinahouse.
Khu du lịch Vinahouse tham dự chương trình: “Trình diễn nghệ thuật ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản”.
    
1   2  
    
Các tin cũ hơn:
Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh “Lăng ông Quản Cơ Hà Tân”.
Quảng Nam đi tìm gốc gác của “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”
Gìn giữ cho mai sau
Khai mở tiềm năng du lịch Gò Nổi
Khai giảng lớp nghề kỹ thuật pha chế đồ uống tại thôn Triêm Tây, xã Điện Phương.
Thăm, chúc mừng các doanh nghiệp du lịch nhân Ngày du lịch Việt Nam
Du lịch Điện Phương - Tiềm năng lớn
Cuộc thi “Hàng rào xanh” và sáng kiến “Góc ảnh gia đình” tại thôn Triêm Tây, xã Điện Phương
Tập huấn nghiệp vụ thuyết minh viên tại huyện Điện Bàn
Tập huấn về du lịch cộng đồng và xây dựng môi trường du lịch thân thiện.
    
1   2   3   4  
    


 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập