Chi tiết tin tức
Nghĩ tiếp về Dinh trấn Thanh Chiêm
Người đăng: Phùng Tấn Đông .Ngày đăng: 10/02/2017 .Lượt xem: 921 lượt.
Sau hội thảo khoa học về “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ” cuối tháng 8/2016 tại Điện Bàn, người viết bài này-dù đã được “tham luận”- vẫn cứ muốn bàn thảo thêm mấy ‘chỗ” chưa “thuận thảo” theo cách nói của người Quảng Nam.

Thứ nhất - với trên 600 trang tham luận in bằng “chữ quốc ngữ” thì vấn đề ‘giải sự kiện” đâu là ‘chiếc nôi” ra đời chữ quốc ngữ đã được minh định khá rõ ràng.Nếu công trình chữ quốc ngữ được các nhà khoa học trong và ngoài nước từ đầu thế kỷ XX đến nay hầu như thống nhất nhìn nhận là “công trình tập thể” của các giáo sĩ Tây phương và trải qua một thời kỳ dài từ 1615 đến 1651 (trong đó có nhà nghiên cứu đã phân kỳ: giai đoạn sơ khai 1615-1626 và giai đoạn hoàn tất việc xây dựng bộ chữ quốc ngữ 1631-1651)(1)thì- với các giáo sĩ -“hành trình truyền giáo” đã phải trải qua nhiều ‘không gian văn hoá” khác nhau từ Cửa Hàn (Đà Nẵng) đến cảng thị Hội An, Dinh Chàm (Dinh Quảng Nam, Thanh Chiêm) Nước Mặn (Bình Định)…và như vậy-chắc chẳng có nhà khoa học nào đưa ra một bằng chứng thuyết phục về mặt sử liệu để nhận diện đâu là “chiếc nôi” thực sự. Một vị giáo sư chuyên ngành sân khấu (hát bội) gốc Bình Định dù có nói bằng ‘uyển ngữ” rằng “Thanh Chiêm, Nước Mặn là hai anh em sinh đôi” của bà mẹ “chữ quốc ngữ” cũng làm cho giới nghiên cứu khoa học ở Hội An, Đà Nẵng “chạnh lòng” và cuộc tranh biện  chắc chắn sẽ không hồi kết vì rõ ràng –thời gian Cha Francisco de Pina-vị thầy đầu tiên của việc sáng tạo chữ Quốc ngữ  ở Nước Mặn chưa đầy 3 năm trong suốt 10 năm (1615-1625) ở Đà Nẵng,  Hội An, Thanh Chiêm.


Trước khi bàn thảo vấn đề “Tại sao Thanh Chiêm?”-người viết bài này mong muốn công luận hãm bớt bệnh ‘tự kỷ về mặt văn hoá”-căn bệnh ưa tạo ‘sự kiện ghi-nét”  chừng đã lây lan trong cộng đồng hiện nay để  xem xét, nhìn nhận vấn đề thực sự đa chiều, đa tuyến trên cơ sở những chứng cứ sử liệu, văn bản, tư liệu khoa học văn bản hay điền dã thực địa theo hướng nghiên cứu liên ngành (địa lý, lịch sử, văn học, văn hoá học, ngôn ngữ học, chính trị học , kinh tế học, dân tộc học, nhân học,khảo cổ học, địa danh học v.v…).Trong hội thảo đã có ý kiến rằng sách sử, tư liệu xưa-lúc Dinh Chàm được tạo dựng và hoạt động- chưa hề viết, ghi nhận địa danh Thanh Chiêm. Vấn đề này lại liên quan đến bộ môn địa danh học, địa bạ học. Chắc chắn địa danh được gọi là Thanh Chiêm có sau những tên gọi Dinh Chiêm, Dinh Chàm, Tỉnh Chàm, Dinh Quảng Nam… như các giáo sĩ, thương nhân, nhà du hành phương Tây và các nhà sử học trong nước từng gọi xét về mặt ‘lịch đại”, nhưng về mặt  “đồng đại” thì địa danh Thanh Chiêm đã được giới nghiên cứu văn hoá cận đại và  người dân-những bậc cao niên dường “đồng thuận” rằng làng Thanh Chiêm từng là lỵ sở của Dinh Quảng Nam từ thời các Chúa Nguyễn kinh dinh vùng đất mới sau năm 1602.Thông thường việc thay đổi địa danh của một vùng đất do nhiều nguyên do khác nhau qua các thời kỳ lịch sử khác nhau là chuyện hết sức phổ biến. Một địa danh có gốc gác xưa nhất có thể thay đổi dần theo năm tháng do cách gọi dân gian gắn với một đặc điểm địa hình hay gắn với một sự kiện, một nhân vật nào đó có công tích khai khẩn, “quy dân lập ấp”-thậm chí chỉ là việc “nhà ở gần” khu vực được nói đến. Nguyên do phổ biến thứ đến là do mệnh lệnh hành chính của nhà cầm quyền địa phương hay trung ương khiến lâu ngày  tên mới gọi mãi thành quen chưa nói đến các loại giấy tờ hành chính liên quan đến đời sống người dân nên người dân buộc phải “tuân theo”…

Trở lại địa danh Thanh Chiêm-có bàn thảo bao nhiêu lần chăng nữa thì địa danh này chẳng phải “ngẫu sự” mà có hậu tố “Chiêm”  bởi theo  gia phả tộc Nguyễn-chư vị tiền hiền làng đã đặt tên làng là “Kẻ Chiêm” và tên “Kẻ Chiêm”, “Kẻ Chàm” từ đầu thế kỷ XVI-tên này cũng được người phương Tây nhắc đến (Roland Jacques).Một làng khác trong 7 làng cũ của xã Điện Phương nay cũng mang hậu tố “Chiêm” là làng Phú Chiêm (Phú Chiêm chia 3 làng nhỏ: Triêm Đông, Triêm Tây, Triêm Trung).Câu chuyện “địa danh” và “vị trí” của Dinh Chiêm từng được bàn ở rất nhiều hội thảo lớn nhỏ-cho nên dưới góc độ “địa danh học”- thử cho rằng một vùng nào đó ở bờ Nam Thu Bồn-nếu đặt vị trí Dinh Trấn lâu dài hẳn còn bảo lưu một ‘ký hiệu nhận biết” nào về văn hoá “Chiêm Động” như Thanh Chiêm chứ(?). Một ‘lợi thế” khác của Thanh Chiêm là còn bảo lưu gần như nguyên vẹn di tích của một giáo xứ với cơ sở thờ tự và giáo dân,tư liệu lịch sử về giáo đoàn (xin xem tham luận “Giáo đoàn Thanh Chiêm thời sơ khai” của hai linh mục Nguyễn Hai Tính và Nguyễn Huy Hoàng)(2)

Thanh Chiêm còn có lợi thế về “vị trí” trong cuộc bàn thảo với gần chục tấm bản đồ do các giáo sĩ, các nhà du hành phương Tây vẽ. Gần đây qua cuộc phỏng vấn, giáo sư Kikuchi Seiichi-nhà nghiên cứu về Xứ Đàng Trong- Nam Hà có uy tín học thuật ở Nhật và TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng “ … từ hình vẽ và vị trí của dinh trấn Quảng Nam ở trên  hai tranh cuộn này (tranh cuộn Nhật Bản thời Edo), ông và các đồng nghiệp ở Đại học Nữ Showa ( Chiêu Hoà) đã khảo sát, đối chứng trên thực địa và xác định vị trí của Dinh trấn Quảng Nam nay thuộc làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam”(3)


Nhà hàng hải người Pháp Alexis Marie de Rochon (1741- 1817) trong cuốn sách “A Voyage to Madagascar and East Indies” in năm 1792, phần miêu tả về xứ Đàng Trong-về “Mỏ vàng” có viết “ …Các mỏ vàng thì nhiều, mỏ đáng kể nhất là ở tỉnh Chàm (tức Quảng Nam), toạ lạc ở Phunrae (?), nơi có thánh đường của các nhà truyền giáo người Pháp và một số đông con chiên. Địa điểm này cách Faifo (Hội An) chừng 8 dặm…”(4).Ở mục “Hải cảng” khi viết về Hội An tác giả miêu thuật “Ở đây có hai giáo đường, một nhà thờ của người Jesuits Bồ Đào Nha, một của người Franciscans Tây Ban Nha. Viên trấn thủ tỉnh này ở một nơi cách chừng một dặm, tại một vùng tên là Reta (?), nằm trên bờ sông-là nơi những nhà truyền giáo người Pháp có một nhà thờ”(5)

Dưới góc độ “đô thị học” thì khi đã có Dinh Chàm, khu vực Thanh Chiêm đã “hiện tồn” như một thị tứ đông đúc, có bến chợ Củi (Sài thị) giao lưu hàng hoá với Hội An, vùng đất phía Nam (qua sông Trường Giang) và thượng nguồn Thu Bồn,rồi các thế kỷ sau với Đà Nẵng qua sông đào Vĩnh Điện…để địa danh được đưa vào bài “Quảng Nam tỉnh phú” của Mã Sơn Trần Đình Phong vào cuối thế kỷ XIX (Vào sau năm 1892 và trước năm 1898 vì trong đó có nhắc tới một số khoa bảng đỗ khoa Nhâm Thìn (1892)-Thành Thái thứ 4 và câu “phủ hai huyện sáu” tức chưa thiết lập phủ Duy Xuyên và huyện Đại Lộc (1899)(6))

“Làng La Qua là nơi tỉnh lỵ, dinh thự nguy nga

Xã Thanh Chiêm, ấy chốn học đường, cửa nhà đồ sộ

Miễu thờ thánh, đền thờ thần, đồn bảo giữ gìn mọi nẻo

Sứ có quán, thương có cuộc, công trình kiến thiết bấy lâu…”(7)

Như vậy, qua những trao đổi “nhẹ nhàng” về mấy “sự thể” trên cũng là bàn góp cho việc trả lời câu hỏi “Vì sao Thanh Chiêm?”

Chú thích:

(1)Nguyễn Văn Mạnh-Nguyễn Thị Mỹ Lộc-Sự hình thành chữ quốc ngữ ở Việt Nam-những điều còn bàn luận-Kỷ yếu Hội thảo khoa học”‘Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ”,       Quảng Nam 24/8/2016 tr.829-836

(2)Nguyễn Hai Tính ,S.J-Nguyễn Huy Hoàng, S.J- Giáo đoàn Thanh Chiêm thời sơ khai- Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ” Quảng Nam 24/8/2016 tr.621-630

(3)Trần Đức Anh Sơn- Hội An ,Dinh trấn Quảng Nam và Phủ Phú Xuân trên hai tranh cuộn Nhật Bản thời Edo”-Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ” Quảng Nam 24/8/2016 tr.1144-1145

(4), (5) Nguyễn Duy Chính (dịch)-Đàng Trong thời chúa Nguyễn-NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 2016 tr.41, 48

(6), (7)-Hồ Ngận dịch, Nguyễn Văn Xuân phụ chú-Quảng Nam tỉnh phú-Lịch sử địa phương và chuyên ngành số 1/1981-Ty Văn Hoá và thông tin QN-ĐN xuất bản ,tr.7,8

[Trở về]
Các tin cũ hơn:
Huyền Thoại Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ.


 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập