Từ xa xưa, cuộc sống lênh đênh trên biển cả của những ngư dân làng chài ven biển đều gắn liền với sự ban ơn giàu có cũng như nhưng cơn thịnh nộ của biển cả. Để khống chế nỗi sợ hãi, cũng là niềm tin cho những chuyến vượt trùng khơi, những ngư dân chất phác luôn tin vào sức mạnh vô hình siêu nhiên, vừa cầu mong sự che chở của thần linh. Họ truyền nhau câu chuyện đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát trong một lần tuần du hải đảo, chứng kiến cảnh người trần bị chết chìm ngoài biển khơi thì vô cùng đau xót nên đã xé chiếc áo cà sa làm muôn mảnh thả ra trên mặt biển rồi làm phép biến thành cá Ông. Ngài còn lấy bộ xương voi ban cho để cá Ông có thân hình to lớn, còn ban phép thâu đường để cá Ông có thể bơi thật nhanh cứu vớt người lâm nạn. Để tỏ lòng biết ơn cá Ông đã cứu giúp người dân gặp nạn, nhân dân đã lập miếu thờ gọi là Lăng Ông. Cá Ông là một vị phúc thần mang đến hưng thịnh của làng chài cũng như đời sống hàng ngày. Khi cá voi còn sống, được gọi là Ông Sanh, khi cá voi chết thì gọi là Ông Lụy. Người ta tổ chức những lễ tang cho Ông Lụy với những nghi thức trang trọng, có “trưởng nam” chịu tang (trưởng nam là người đầu tiên phát hiện xác cá voi), có lập nghĩa địa, có lễ mai táng, lễ chịu tang, lễ mở cửa mả, lễ đoạn tang… Trong cuốn Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) cũng đề cập đến việc cá voi cứu người, “...Những lúc ghe thuyền bị phong ba giữa biển thường thấy cá voi đi kèm thuyền cho khỏi nghiêng đắm, giữ gìn cho người được bình yên. Nếu thuyền bị rủi chìm, cá voi có thể vực người lên bờ. Triều đình có ban sắc phong là ‘Nam Hải Tướng Quân Ngọc Lân Tôn Thần’ và ghi vào điển lễ thờ tự”.
Từ lòng thành kính biết ơn đối với cá Ông, lễ hội Cầu ngư ra đời. Lễ hội Cầu ngư đã trở thành một nét đẹp văn hóa của ngư dân các làng chài ven biển, là dịp để ngư dân bày tỏ ước vọng cho trời yên biển lặng, tàu thuyền được thuận buồm xuôi gió, mùa màng được bội thu. Qua thời gian, lễ hội càng được củng cố trong cộng đồng ngư dân ven biển và trở thành lễ hội truyền thống của bà con ngư dân.
Cũng như các địa phương khác, lễ hội Cầu ngư ở Điện Dương được ngư dân duy trì lâu nay. Thời gian diễn ra lễ hội trong 2 ngày; ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành theo Lễ nghinh Ông; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Phần hội gồm có chèo bả trạo, hội xây chầu hát bội, hát dân ca và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển và có sự đan xen trong thời gian hành lễ của ngày đầu tiên và thứ hai. Đầu tiên là lễ vọng, lễ nghinh Ông, tiếp theo là lễ cúng Tiền hiền và lễ tế Cá Ông. Lễ Vọng được tiến hành vào lúc sáng sớm tại Lăng Ông với ý nghĩa cáo giỗ và xin thần linh báo cho làng những điềm lành, dữ trong năm. Lễ Nghinh Ông là lễ rước hồn Cá Ông. Lễ cúng Tiền hiền là mời các vị thần linh, các “Cô - Bác”, các âm hồn ngự tại đình, lăng, miếu trong vạn chài về Lăng Ông phụ hưởng. Cuối cùng, lễ tế Cá Ông là nghi lễ chính với các nghi thức dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế, hóa văn tế. Ngư dân chuẩn bị lễ vật ở nhà rồi đem ra bày trên hương án để làm lễ tế. Lễ vật thường là các loại bánh làm bằng ngũ cốc, tuyệt đối không được dùng hải sản vì dân gian cho rằng Cá Ông không bao giờ hại sinh linh hoặc các loài động vật biển khác.
Sau khi kết thúc phần lễ là phần hội rất đặc sắc với màn hát bả trạo (hay còn gọi là nghi lễ xây chầu bả trạo) đậm đà chất biển. Hát bả trạo là một bộ phận của diễn xướng nghi lễ tổng hợp xứ Quảng, gồm có yếu tố hát và múa với đạo cụ là mái chèo diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân. Giữa tiếng sóng vỗ rì rào, những lão Ngư cùng những ngư dân trẻ mang theo câu hò bả trạo ra khơi có những lời nguyện cầu bình yên, được mùa tôm cá; biển với những làng nghề cá không chỉ là nơi trú ngụ, chở che cho những cư dân quen ăn sóng nói gió mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá độc đáo của cư dân miền biển. Ngoài hát bả trạo, lễ hội Cầu ngư còn có nhiều hoạt động văn nghệ khác như hát hò khoan đối đáp và các trò chơi dân gian vùng biển như lắc thúng, đua thuyền và lễ phát động ra quân đánh bắt vụ cá nam.
Lễ hội Cầu Ngư ở Điện Dương là nơi lưu giữ tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển. Lễ hội còn thể hiện ý thức "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề và thông qua lễ hội thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển.
Những năm gần đây, cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, ngành du lịch ở Điện Bàn cũng phát triển vượt bậc, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước không chỉ bởi sự năng động, trẻ trung của một thị xã mà còn bởi những sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo. Với vị trí thuận lợi, nằm giữa Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An; giữa Hội An và Đà Nẵng, Điện Bàn không chỉ đóng vai trò kết nối các di sản này mà còn hưởng lợi của sự lan tỏa khách từ những trung tâm du lịch này. Thông qua những cách làm riêng, du lịch Điện Bàn đang dần xác lập một thương hiệu mới với những sản phẩm, loại hình cụ thể để hướng đến sự phát triển bền vững. Bên cạnh những mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng đang được ưu tiên phát huy lợi thế như dự án du lịch cộng đồng Triêm Tây thì du lịch văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống đang là một vấn đề cần được quan tâm theo xu hướng “bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể” của Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong thời gian gần đây.
Cùng với lễ hội Thanh Minh ở Điện Quang, lễ hội Cầu Ngư ở Điện Dương cũng đang được chú trọng để tạo nên một mảng màu đặc biệt trong bức tranh du lịch Điện Bàn nhằm thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, trong định hướng gắn kết lễ hội Cầu ngư với hoạt động du lịch văn hóa cần chú ý đến những vấn đề như: Phần lớn người tham gia lễ hội không còn đóng vai trò là chủ thể của lễ hội mà chỉ đóng vai trò khách thể thưởng thức và sử dụng di sản văn hóa. Việc lưu giữ và kế thừa các giá trị dân gian (thỉnh văn tế, hát bả trạo) chủ yếu được lưu truyền và gìn giữ theo trí nhớ của các nghệ nhân cao niên mà chưa được tư liệu hóa bằng các hình thức chụp ảnh, quay phim, ghi âm, ghi chép… Cả hai điều này dễ dẫn đến sự mai một tính xác thực và tính sáng tạo của lễ hội. Hơn nữa, một số nghi thức truyền thống và diễn xướng dân gian bị phai nhạt hoặc được thay thế bằng những nghi thức sân khấu hóa xơ cứng do lễ hội bị mất đi cơ sở xã hội và môi trường tồn tại và phát triển vốn có của mình.
Khai thác lễ hội Cầu ngư theo hướng vừa có thể duy trì được các yếu tố truyền thống vừa phát triển theo chiều hướng phù hợp với sự năng động của xã hội hiện đại sẽ là một hướng đi hiệu quả trong hoạt động du lịch văn hóa. Hiên nay, lễ hội Cầu ngư phát triển ở mức độ là một sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa cộng đồng của cư dân vùng biển, được tổ chức rời rạc, chỉ thu hút được một số bộ phận quần chúng địa phương; vì vậy, chính quyền cần có những giải pháp kịp thời để bảo tồn và phát huy vai trò cũng như khai thác hợp lý để lễ hội Cầu ngư trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của địa phương, thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.