Quá khứ mịt mờ vì không có sách vở nào ở Phú Chiêm ghi lại ngày ra đời của món ăn này. Nhưng với người dân, chẳng ai quan tâm đến thời gian, không gian, mà chỉ biết rằng,cái được nhất là họ đã có một sản phẩm đóng góp vào bản đồ thức ăn quốc gia.
Chỉ cần gọi là mì, mì Phú Chiêm hay mì Quảng thì ai cũng biết cả. Người thế nào thì sản phẩm thế ấy, quê mùa, chất phát đậm đà là đặc tính của mì Phú Chiêm.
Ngày xưa các bà dùng quang gánh mang mì đi bán khắp nơi, một đầu nồi nước nhưn, củi, nước chè, đầu kia là mì rau, bát đủa, bánh tráng, đậu phụng, nước mắn tỏi ớt…Nguyên liệu chế biến đều có nguồn gốc tại địa phương. Buổi sáng năm ba gánh mì lên đường với lò lửa nồi nước nhưn cháy râm rỉ với mùi củi ổi, củi mít, củi dương liễu bay quyện với mùi nước nhưn thơm phức cả một vùng. Đoàn người gánh mì phập phồng ánh lửa trong sương mai như đoàn xe lửa chầm chậm vào ga. Và theo thói quen khách hàng có thể đợi họ đến để mua mì hay người bán chọn một nơi nào đó để đợi khách…
Mì là món ăn dân dã, nhưng đượm nết yêu thương. Trong kháng chiến lúa gạo là thực phẩm chiến lược nên mì bị quy vào thành phẩm tiểu tư sản, do vậy mì gạo biến tướng ra mì sắn,mì bắp mì pha nghệ để ngụy trang.
Ngày nay mì gánh ít dần, nhân dân giàu lên và tô mì đã ung dung lên bàn ăn, nhà hàng với muôn vàng biến tấu như đủ loại rau, nước béo, nước trong… Nhà văn Nguyễn Văn Xuân có nhận xét: Mì ngon phải làm từ nguyên liệu của làng Phú Chiêm – mì Quảng luôn mang tính đại đồng, dân chủ, nhưn mì nấu với gì cũng hấp dẫn: cá, tôm, bò, heo, gà … rau trộn bao nhiêu tùy thích, mặn lạt nêm nếm tự nhiên, làm sao để ăn no, ăn đậm là nhất rồi.
Món mì Quảng theo gót chân người di dân, người đi kinh tế mới đã có mặt khắc các tỉnh miền Trung,Tây nguyên,Miền Nam và cả Mỹ châu và Úc châu.
Nhà thờ Bùi Giáng cũng trân trọng đãi khách làng văn bằng tô mì Quảng và nói : Món quê, nhà làm, xin mời. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết hẵn một tập sách : Người Quảng đi ăn mì Quảng. Nhà thơ Vũ Đức Sao Biển còn xây dựng cả triết lý Mì Quảng và luận bàn về thơ và mì Quảng.
Nhiều người Quảng Nam yêu, nhớ và thương quê hương mình qua tô mì Quảng, tập văn Ăn tô mì Quảng nói chuyện bao đồng của Hoàng Nhật Tuyên là một mình chứng cho cái tình người xứ Quảng xa quê.
Về lại Phú Chiêm để thưởng thức tô mì có mùi vị xưa cũ là một niềm vui và mong ước của những người cao tuổi hồi hương, còn các cụ bà mấy mươi năm trước gánh gánh mì qua khắp các xóm làng nay sức tàn lực kiệt lại tìm vui bên con cháu ăn học thành danh nhờ vào gánh mì làm nên sự nghiệp của mình.
Một thế kỷ đã qua đi, bao đôi chân gánh mì đã thành sừng khô cứng vì hàng vạn dặm đường đất mà các mẹ đã đi qua trong khoảng đời trai trẻ với bao gian khổ nay đang nở đầy bông hoa.
Tôi tin chắc các mẹ đi bán mì gánh này trước có niềm vui vì kiếm được đồng tiền nuôi con cái gia đình thì nay lại có niềm vui lớn hơn vì mẫu tô mì các mẹ chế biến đã trở thành văn hóa ẩm thực xứ Quảng.
Xin được xưng tụng công lao các mẹ đã bỏ công sức nấu tô mì Quảng thơm ngon trong gần 100 năm qua để nay được công nhận là món ăn tiêu biểu của Châu Á.
Gía trị của tô mì Quảng còn được ca ngợi ở trong các công trình, đề tài nghiên cứu, luận văn Đại học như: “Mì Quảng trong hành trình hội nhập thế kỷ 20” của G.S Tăng Chánh Tín, Đai học Đà Nẵng “ Bản sắc văn hóa Quảng Nam qua món Mì Quảng” của nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, Văn hóa ẩm thực Quảng Nam qua mì Quảng, luận văn tốt nghiệp của cử nhân Trần Hạnh - Đại học Đà Lạt – sách “ Con mì xứ Quảng” của Đoàn Nam Sinh…
Bà Tài đang làm mì Quảng Phú Chiêm
Xã hội tiến bộ và giàu nhanh nên mọi sinh hoạt cũng phải cải tiến để hòa nhập. Nước nhưn nay đã biến tấu nhiều theo thị hiếu của người dùng. Cách ngồi ăn mì thay vì bên bụi tre làng ngồi chềnh bệch bên gánh mì thì nay nâng cấp lên ngồi bàn gỗ, bàn mi ca. Nhưng dẫu thế nào thì mì Quang vẫn là mì Quảng.
Phú Chiêm, một làng mì nổi tiếng bên sông Thu Bồn, với sản phẩm của lớp nông dân quê nghèo không danh phận cao sang nay được xướng danh trên diễn đàn quốc tế, được giảng giải trên các giảng đường đại học và được các học giả xưng tụng mì Quảng như là một di sản văn hóa ẩm thực của dân tộc. Phú Chiêm hân hạnh được đóng góp chút công lao khiêm tốn của mình trên con đường thăng hoa của Mì Quảng.