Với ý thức tôn tạo và giữ gìn các di tích, từ sau ngày giải phóng đến nay, Điện Bàn luôn chăm lo bảo vệ các di tích, trong đó chú trọng đến các di tích về các chí sĩ yêu nước cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Ngôi mộ Tổng đốc Hoàng Diệu hơn 100 năm qua tại làng Xuân Đài xã Điện Quang được nhân dân và gia tộc giữ gìn tôn tạo. Năm 1982, Sở Văn hóa thông tin QNĐN đã tiến hành xây dựng lại ngôi mộ. Song, do di tích nằm ở vùng trũng lụt, chưa được xây dựng kiên cố nên lăng mộ bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình hình đó, tháng 4/1998, Bộ Văn hóa Thông tin, UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Nam, huyện Điện Bàn, xã Điện Quang, gia tộc đã đầu tư 300 triệu trùng tu xây dựng lại khang trang, bề thế.
Di tích Lăng mộ Hoàng Diệu
Năm 1989, di tích mộ Phạm Phú Thứ nằm giữa cánh đồng Đông Bàn, xã Điện Trung bị xuống cấp nghiêm trọng, được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) đầu tư kinh phí xây dựng lại. Từ nền tảng đó, gia tộc Phạm Phú đã phát huy truyền thống, nâng cao ý thức trách nhiệm chung tay cùng nhà nước bảo vệ, tôn tạo ngôi mộ. Hằng năm vào ngày Thanh Minh, ngày giỗ cụ Phạm Phú Thứ, gia tộc đã vận động con cháu quét vôi, sửa chữa và dọn vệ sinh thường xuyên, nên di tích này lúc nào cũng khang trang sạch đẹp.
Cụ Trần Quý Cáp, cả cuộc đời hy sinh cho dân, cho nước, tên tuổi sự nghiệp của ông đã làm rạng danh trang sử vàng, nhưng mộ ông tại nghĩa trang Gò Bướm, làng Bất Nhị, xã Điện Phước bị bom đạn chiến tranh tàn phá chỉ, còn nền móng đơn sơ, không xứng tầm là nơi yên nghỉ của một danh nhân. Năm 1991, Ban vận động trùng tu mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp được thành lập, gồm có đại diện chính quyền xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, gia đình con cháu cụ Trần Quý Cáp. Số tiền quyên góp được cùng với sự hỗ trợ 40 triệu đồng của UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, công trình trùng tu xây dựng mộ Chí sĩ Trần Quý Cáp đã khánh thành vào ngày 12/01/1995.
5 di tích cấp quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh là tài sản tinh thần vô giá của Điện Bàn. Sự cố gắng của Điện Bàn trong việc vận động trùng tu di tích là rất lớn, tuy nhiên, trên địa bàn còn nhiều di tích xuống cấp, trong đó nhiều di tích đang có nguy cơ hư hỏng nghiêm trọng; nguồn kinh phí để trùng tu tôn tạo di tích vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thực hiện Quyết định số 3905/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam về “Đề án Tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh”, các di tích trên địa bàn Điện Bàn có kế hoạch trùng tu được phân kỳ theo từng năm. Do đó, các địa phương chủ động trong công việc, nhiều xã, phường đã làm tốt công tác xã hội hóa.
Những di tích như: Nghĩa Trung Viên, Miếu Thất vị, tại thôn Trung Phú 1 và Nhà cổ ông Nguyễn Nho Phán, thôn Bồng Lai, xã Điện Minh là những di tích còn lưu giữ được yếu tố gốc, nên việc trùng tu cần phải có nguồn kinh phí lớn. Trong quá trình tu sửa thiết kế phải được thẩm định kỹ từng chi tiết, những hạng mục hư hại không tái sử dụng được, phải phục chế nguyên trạng theo từng hoa văn họa tiết, chất liệu, kích thước.Trường hợp chất liệu khan hiếm, thì dùng chất liệu tương đương và cơ quan thực hiện phải có khả năng, chứng chỉ tu bổ di tích. Vì thế, trong điều kiện kinh tế của thị xã, nhân dân còn nhiều khó khăn, đã làm cho địa phương trăn trở rất nhiều. Đồng thời với việc triển khai Đề án, công tác trùng tu, tôn tạo được thực hiện theo một qui trình, kế hoạch thống nhất chung trong toàn tỉnh, tránh tình trạng tu bổ di tích tự phát ở các địa phương. Về phía địa phương, trong quá trình trùng tu đảm bảo đúng nguyên trạng, đúng nguyên tắc xây dựng. Kinh phí từ nguồn vận động xã hội hóa và ngân sách của Đề án được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả .
Những di tích là phế tích nằm trong Đề án, được hỗ trợ xây dựng bia. Các địa phương đã đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa trong nhân dân, nên các bia được xây dựng khang trang, như bia di tích Cấm Lớn xã Điện Tiến, Vườn Biện Hòa xã Điện Phong...
Di tích Vườn Biện Hòa
Một số xã, phường đã vận động thêm các nguồn lực, như kêu gọi Hội đồng hương ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng với tình nghĩa quê hương tự nguyện ủng hộ để có nguồn kinh phí trùng tu, nâng cấp các di tích. Từ năm 2011-2015, nhiều di tích đã được các xã, phường trùng tu nâng cấp khang trang, sạch đẹp từ nguồn vận động xã hội như mộ Thượng thư Trương Công Hy (xã Điện Thắng Trung), di tích vụ thảm sát tại nhà thờ tộc Đinh (xã Điện Dương), Mộ Chí sĩ Phan Thành Tài (phường Vĩnh Điện)…
Trong giai đoạn 2011-2015, Điện Bàn có 12 di tích được tu bổ.Trong đó kinh phí UBND tỉnh phân bổ theo Đề án là 1 tỷ 870 triệu, kinh phí đối ứng của Thị xã là 145.000.000 đồng, Kinh phí đối ứng của xã 287.600.000 đồng, kinh phí xã hội hóa 445.000.000 đồng. Ngoài ra, trong năm 2015, UBND thị xã Điện Bàn đã tu sửa hai di tích. Trong đó có Lăng mộ Tổng đốc Hoàng Diệu, với tổng kinh phí là 198 triệu (trong đó huyện 150 triệu, xã Điện Quang 48 triệu) và di tích lịch sử Đồi Bồ Bồ với kinh phí 200 triệu, vận động từ Cựu chiến binh và đoàn viên thanh niên nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Bồ Bồ (1954-2014).
Tiếp tục thực hiện công tác tri ân đối với các bậc tiền nhân, Đề án tu bổ di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 3486/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam, kinh phí trùng tu cũng được nâng cao hơn so với giai đoạn 2011 - 2015. Theo Đề án này, trên địa bàn thị xã Điện Bàn có 11 di tích được UBND tỉnh đầu tư trùng tu với kinh phí 5,6 tỷ đồng, trong đó có hai di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh và 10 di tích được xây dựng bia. UBND thị xã Điện Bàn đã xây dựng kế hoạch tu bổ di tích với nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng. Đây là việc làm cần thiết, cấp bách nhằm đề ra kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trùng tu, tôn tạo và nâng cao giá trị di tích, chống xuống cấp, bảo vệ bền vững hệ thống di tích hiện có.Mỗi di tích lịch sử - văn hóa được tu bổ khẳng định sự tôn vinh của thế hệ hôm nay với quá khứ và là nền tảng để giữ gìn văn hóa địa phương cho các thế hệ tương lai.