Tại Điện Bàn, Quảng Nam, sau Hội thảo “400 năm Dinh trấn Thanh Chiêm” được tổ chức vào năm 2002, nhiều hoạt động liên quan đến Dinh trấn đã được xúc tiến. UBND tỉnh Quảng Nam đã công nhận Dinh trấn Thanh Chiêm là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh vào năm 2008 và hiện nay đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận Di tích cấp Quốc gia.
Giếng cổ ghép bằng đá cong
Cùng với những ghi nhận của chính quyền, những người con làng Thanh Chiêm cũng thực hiện nhiều việc làm có ý nghĩa nhằm tôn vinh giá trị lịch sử của Dinh trấn như xây dựng Bia di tích, xuất bản sách như nhà nghiên cứu địa phương Đinh Trọng Tuyên, tác giả Châu Yến Loan hay người con xa xứ Lê Nam tuy ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn thường xuyên liên lạc và sưu tầm những tư liệu liên quan để gởi về cho các cơ quan chuyên môn ở quê nhà. Và, còn rất nhiều những Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu tuy không phải là người con của Thanh Chiêm, Điện Bàn, nhưng với tâm huyết về Dinh trấn một thời vang bóng, luôn có những công trình nghiên cứu hết sức ý nghĩa.
Khối tư liệu minh chứng về giá trị lịch sử của Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ đang ngày càng dày lên. Tuy nhiên, để “thành cũ” không rơi vào cảnh “lâu đài bóng tịch dương”, ngay tại Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam, có rất nhiều nội dung cần phải xúc tiến với thời gian dài và với tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành cũng như nhiều tổ chức, cá nhân.
GS. Kikuchi và trường Chiêu Hòa thăm Thanh Chiêm năm 2014
Ngày 6/1/2016, UBND Thị xã Điện Bàn đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung về Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. Theo đó, các nội dung nhiệm vụ được phân kỳ đến năm 2020 với sự phối hợp của nhiều cấp, ngành chuyên môn và các tổ chức, cá nhân. Nội dung quan trọng đầu tiên là công tác xúc tiến đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia cho Dinh trấn Thanh Chiêm. Theo đơn vị quản lý chuyên môn là Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Quảng Nam thì nội dung cơ bản mà hồ sơ di tích cần bổ sung là minh chứng sự tồn tại của Dinh trấn ngay trên thực địa Thanh Chiêm bây giờ. Vấn đề này, vào những năm 1999-2000-2001, Giáo sư Kikuchi Seiichi cùng các chuyên gia Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế Đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản phối hợp Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đã ba lần tiến hành điều tra khai quật tại Thanh Chiêm. Từ các phát hiện về hiện vật và các nghiên cứu khai quật, dò tìm bằng thiết bị địa thám, Giáo sư Kikuchi đã giả định đó chính là Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm được xây dựng từ năm 1602 với “di vật và dấu tích kiến trúc từ thế kỷ XVII. Hơn nữa, trên những cấu trúc này còn có những hố chôn cọc có niên đại thế kỷ XVIII-XIX. Điều này chững tỏ đây là dấu tích của một công trình xây dựng lớn (…) Trong số những di vật thu được, có khá nhiều là được làm ở vùng Bắc Bộ vào thế kỷ XVI. Trong những tư liệu bằng di tích, có những đồ vật bằng đất hình sư tử. Những đồ vật này không được sử dụng trong dân cư mà chỉ được dùng trong cung vua hay nhà thờ họ Nguyễn” (Kikuchi Seiichi –Nghiên cứu đô thị cổ Hội An – Từ quan điểm khảo cổ học lịch sử - NXB Thế giới mới). Tuy nhiên, nếu kết quả khai quật và kết luận của Giáo sư Kikuchi là chưa đủ sức thuyết phục thì công tác tổ chức một đợt khai quật với quy mô lớn hơn là điều rất cần thiết. Điều này, trong kế hoạch của Điện Bàn cũng được đề cập đến.
Khai quật khảo cổ học tại Thanh Chiêm
Thực trạng, những khảo cứu điền dã tại Thanh Chiêm đã đưa ra một khu vực rất lớn về vết tích Dinh trấn. Trong đó còn lưu giữ những dấu tích cổ xưa như mộ vôi, mộ đá hình rùa, giếng cổ đá vuông, giếng cổ đá tròn. Đặc biệt, nhà thờ Thiên Chúa Giáo làng Thanh Chiêm được cho là khôi phục trên cơ sở nhà thờ đạo ngày xưa, nơi các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến Dinh trấn Thanh Chiêm truyền đạo và nghiên cứu về chữ Quốc ngữ và vẫn đang duy trì sinh hoạt. Trong khu vực này còn có nhà thờ làng Thanh Chiêm, Đình An Nhơn là những nơi còn lưu giữ các bia ký và sắc phong của các vua nhà Nguyễn.
Công nhận di tích Dinh trấn Thanh Chiêm cấp quốc gia là điều kiện cần để tiếp tục thực hiện các nội dung liên quan đến một trong những nơi ra đời chữ Quốc ngữ. Khôi phục mô hình Dinh trấn và một tượng đài chữ Quốc ngữ tại Thanh Chiêm không chỉ là tâm huyết của nhân dân, các tổ chức, cá nhân và chính quyền các cấp mà còn có ý nghĩa tôn vinh giá trị lịch sử, tôn vinh ngôn ngữ của dân tộc Việt.
Có như vậy, Thanh Chiêm sẽ tiếp tục phát huy các giá trị mà sứ mệnh lịch sử đã từng lựa chọn cho vùng đất này!
|