Chi tiết tin tức
Khai mở tiềm năng du lịch Gò Nổi
Người đăng: Bảo Giang .Ngày đăng: 12/03/2016 .Lượt xem: 1735 lượt.
Câu chuyện về du lịch Điện Bàn đã được đề cập đến cách đây hơn 10 năm, khi những dự án lớn về Du lịch được hình thành trên địa bàn. Tuy nhiên, để Điện Bàn trở thành một địa chỉ hấp dẫn trong bản đồ du lịch khu vực vẫn là con đường dài phía trước với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân.

Trong hai năm gần đây, thực hiện đầu tư có trọng điểm, hướng đến sự lan tỏa và hưởng lợi của cộng đồng dân cư trong hoạt động du lịch, Điện Bàn đã tập trung thực hiện dự án làng Du lịch cộng đồng (DLCĐ) Triêm Tây. Thành quả ban đầu, làng DLCĐ Triêm Tây đã tạo được những nét chấm phá trong bức tranh du lịch Điện Bàn. Việc tạo điều kiện và trao kỹ năng cho người dân làm du lịch đã mở ra một hướng mới để Điện Bàn tiếp tục định hướng cho phát triển du lịch trên địa bàn thị xã.

Làng nghề mây tre đan Phú Bông

Những ngày cuối năm 2015, UBND Thị xã Điện Bàn đã tổ chức khỏa sát và tọa đàm định hướng phát triển du lịch vùng Gò Nổi. Nhiều cơ quan, ban ngành các cấp và các tổ chức, doanh nghiệp du lịch ở Hội An, Đà Nẵng, các cơ quan thông tấn báo chí đã cùng tham dự. Qua một buổi khảo lược thực tế, buổi tọa đàm đã đón nhận nhiều ý kiến đóng góp tích cực để định ra hướng phát triển du lịch trên vùng đất Gò Nổi.

Giàu tiềm năng

Đó là nhận định chung của các nhà chuyên môn về du lịch khi đến với “đứa con phù sa” Gò Nổi. Với tiết diện dày đặc của các di tích văn hóa lịch sử gắn liền với tên đất, tên người từng rạng danh xứ sở đã khơi gợi cho khách tham quan sự cảm phục và niềm tự hào. Đó là tên tuổi của những danh nhân, chí sĩ gắn liền với dòng tộc, nhà thờ, lăng mộ như: Hoàng Diệu – Vị Tổng đốc Hà Thành nêu cao tấm gương trung liệt; là Phạm Phú Thứ với học vị Tiến sĩ khi vừa 23 tuổi – người đã dốc tâm mong muốn được áp dụng khoa học kỹ thuật để canh tân đất nước; là Trần Cao Vân với thuyết Trung thiên dịch và cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916; là các Tiến sĩ Phạm Liệu, Phạm Tuấn, Phó bảng Dương Hiển Tiến trong kỳ tích “Ngũ phụng tề phi”; là anh em Y sĩ Lê Đình Dương và bác sĩ – cư sĩ Lê Đình Thám; là dòng họ Phan –Bảo An với nhà yêu nước Phan Thành Tài, nhà văn Phan Khôi, nhà hoạt động cách mạng Phan Thanh, Phan Bôi…

Dấu ấn lịch sử cách mạng cũng được thể hiên khá đậm nét trên khắp vùng quê Gò Nổi với những sự kiện tiêu biểu gắn liền với các công trình kiến trúc đình làng, nhà bia chứng tích và những con người đi vào lịch sử như nữ anh hùng Trần Thị Lý, nữ Phó chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam – Bà Nguyễn Thị Bình, hay các Giáo sư Lê Đình Kỵ, Hoàng Phê, các nhà toán học Hoàng Tụy, Hoàng Chúng…

Nhà lưu niệm Tổng đốc Hoàng Diệu

Sông nước, làng quê Gò Nổi cũng là điểm nhấn khá thú vị, giải nhiệt cho không gian sống đang ngày càng bị thu hẹp lại bởi đô thị hóa. Được bao bọc bởi con sông Thu Bồn – dòng sông lớn của xứ Quảng, Gò Nổi ưu ái đón nhận trữ lượng lớn phù sa, làm nên những bãi bờ trù phú. Đi dọc Thu Bồn từ bến Vĩnh Điện hay Câu Lâu, đến ngọn Giao Thủy, bạn sẽ thấy lòng nhẹ đi trong mênh mang sông nước. Ghé thuyền vào dọc triền sông, sẽ được thưởng ngoạn nhiều trái quả theo mùa của bờ bãi. Lên thuyền ở bến Văn Ly, bạn đã đặt chân lên vùng đất Điện Quang “địa đầu” của Gò Nổi. Đây là vùng quê có những tên người, tên đất đi vào lịch sử. Và thêm một cái hay của Điện Quang là quy hoạch kiến trúc làng quê nông thôn khá hiện đại tồn tại hơn 100 năm nay. Những ngôi làng Bảo An, Bến Đền, Xuân Đài, Tư Phú, Na Kham… với quy hoạch khu dân cư theo ô vuông bàn cờ, đường làng ngõ xóm thoáng đãng, xanh mát chè tàu, ngan ngát hương hoa. Điều đáng tiếc, không chỉ riêng Điện Quang mà là cả vùng Gò Nổi, là vùng đất bị bom đạn hủy diệt trong chiến tranh nên hầu như các ngôi nhà cổ, đình chùa, miếu mạo đều bị phá hủy. Những năm gần đây, nhân dân Gò Nổi đã nỗ lực khôi phục nhiều địa chỉ văn hóa lịch sử, tôn tạo lại những nét quê mang đậm bản sắc địa phương. Xã Điện Quang trong xây dựng nông thôn mới đã đặt tên cho những đường làng, ngõ xóm, có cả số nhà tạo nên một diện mạo nông thôn vừa hiện đại nhưng vẫn không đánh mất nết duyên quê.

Gắn liền với không gian làng quê Gò Nổi là những làng nghề. Điều đáng tiếc là cho đến nay, làng nghề truyền thống mía đường chỉ còn lại địa danh Bến Đường, làng nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa gắn với chuyện tình Bà chúa tằm tang và “thương hiệu” vùng quê “một nong tằm là năm nong kén” cũng đang đi vào quá vãng. Thế nhưng, người dân Gò Nổi cũng rất nhanh nhạy trong tiếp ứng với cái mới để phát triển kinh tế. Làng mây tre Phú Bông những năm gần đây cũng thu hút được sự chú ý trên thị trường thủ công mỹ nghệ của khu vực. Nghề chạm khắc gỗ với sự đi đầu của công ty Gỗ nghệ thuật Âu Lạc đã tạo nên những sản phẩm mang đậm bản sắc Việt…

Định hướng

Lựa chọn Gò Nổi trong định hướng mở rộng phát triển du lịch về phía Tây là phù hợp và thuận lợi trong xu hướng phát triển chung của Điện Bàn trong bối cảnh hiện tại. Cùng với việc tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh phát triển du lịch ven biển, tiếp tục hoàn thiện sản phẩm DLCĐ Triêm Tây thì Gò Nổi cũng là điểm hướng đến với nhiều lợi thế. Điều quan trọng bây giờ là lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư đúng trọng điểm, đúng thị hiếu chung của ngành Du lịch trong vùng.

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng và Hội An đều thống nhất cao về mô hình DLCĐ, du lịch làng quê, làng nghề của vùng Gò Nổi. Ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng thống nhất bổ sung địa danh Gò Nổi trong quy hoạch du lịch hạ lưu sông Thu Bồn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh. Theo đó, một số cơ sở hạ tầng du lịch sẽ được ưu tiên đầu tư như xây dựng cầu tầu để tạo điều kiện cho tuyến du lịch sông nước đáp được các bãi bờ, làng quê Gò Nổi. Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng cùng với các chương trình quảng bá cho Gò Nổi cũng được Sở và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thống nhất cao trong thời gian đến.

Chạm khắc gỗ Âu Lạc

Có thể nói, định hướng khai thác, phát triển các tiềm năng du lịch Gò Nổi đã được khai mở. Tuy nhiên, con đường phía trước để Gò Nổi trở thành một điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch khu vực thật sự không ít khó khăn. Nhìn đâu cũng thấy tiềm năng du lịch đang là ước mơ của rất nhiều địa phương để phát triển kinh tế xã hội theo hướng tăng trưởng bền vững. Nhưng quy luật đào thải của ngành kinh tế tổng hợp này cũng rất khắc nghiệt. Mấu chốt quan trọng là vùng đất và con người nơi ấy đã, đang có gì và sẽ làm gì để tạo nên sự đặc sắc, sự khác biệt!

Gò Nổi – bạn từng một lần đến đó chưa?!

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Hội thảo liên kết du lịch 3 địa phương Điện Bàn – Hội An – Duy Xuyên và Tour famtrip “Một hành trình nhiều điểm đến”
Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Bồ Bồ (19/7/1954 – 19/7/2024) và đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia - Di tích địa điểm Chiến thắng Bồ Bồ
Quảng Nam ở đâu trên bản đồ doanh thu du lịch Việt Nam nửa đầu năm 2024?
Quảng Nam quảng bá, xúc tiến du lịch tại Đài Loan
Quảng bá du lịch qua truyền miệng điện tử
Quảng Nam sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn
Đền thờ liệt sĩ Tiểu đoàn 76 Hải Đà đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn đón nhận Bằng công nhận di tích cấp tỉnh đối với 3 di tích trên địa bàn.
Cụ Bùi Thị Xong “Người có nụ cười đẹp nhất thế giới” làm đại sứ thương hiệu hình ảnh cho Công ty cổ phần Nhà Việt Nam Vinahouse.
Khu du lịch Vinahouse tham dự chương trình: “Trình diễn nghệ thuật ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản”.
    
1   2   3  
    
Các tin cũ hơn:
Khai giảng lớp nghề kỹ thuật pha chế đồ uống tại thôn Triêm Tây, xã Điện Phương.
Thăm, chúc mừng các doanh nghiệp du lịch nhân Ngày du lịch Việt Nam
Du lịch Điện Phương - Tiềm năng lớn
Cuộc thi “Hàng rào xanh” và sáng kiến “Góc ảnh gia đình” tại thôn Triêm Tây, xã Điện Phương
Tập huấn nghiệp vụ thuyết minh viên tại huyện Điện Bàn
Tập huấn về du lịch cộng đồng và xây dựng môi trường du lịch thân thiện.
Bobby Chinn, Đại sứ Du lịch Việt Nam
Phòng chống dịch bệnh Ebola trong hoạt động du lịch
Làng đúc đồng Phước Kiều đúc thành công Nồi Lư lớn nhất từ trước đến nay.
Lãnh đạo huyện Điện Bàn thăm các doanh nghiệp du lịch
    
1   2   3   4  
    


 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập