Chi tiết tin tức
Những di tích Chăm ở Thanh Quýt
Người đăng: Trương Điện Thắng .Ngày đăng: 12/03/2016 .Lượt xem: 956 lượt.
Năm 1991, lần đầu tiên tại Thanh Quýt đã có cuộc khai quật khảo cổ học liên quan đến di tích Chăm do ông Hồ Xuân Tịnh và ông Nguyễn Văn Đoàn thực hiện. Việc khai quật thực hiện trong phạm vi nhỏ ngay trên cánh đồng lúa ở Xóm Dưới (nay là thôn Thanh Quýt 4) mà trước đó người dân đã phát hiện 10 chiếc vò chôn úp, xếp thành hàng, bên trong có tro than, cát…

Các nhà nghiên cứu đã đào 4 hố thám sát 1x2 mét liền kề chỗ người dân phát hiện các chiếc vò vừa kể…Dưới tầng sâu khoảng 70 cm là các vật dụng gốm của văn hóa Sa Huỳnh. Nhưng ngay phía trên, ở độ sâu 40 cm dưới tầng canh tác, đã xuất hiện nhiều mảng gốm Chăm và sứ men ngọc Trung Quốc.Các mảnh nồi bằng gốm này đồng thời với kết quả khai quật ở Hội An và Trà Kiệu. Đây là bằng chứng cho thấy quanh khu di tích Thanh Quýt có nhiều dấu vết của văn hóa Chămpa, gồm cả các di chỉ cư trú và di chỉ mộ tang.

Thật ra, trong dân gian, Thanh Quýt đã có nhiều di tích liên quan đến văn hóa Chăm tồn tại từ khá lâu và nay đã biến thành nơi thờ cúng của người Việt, nhưng tên gọi vẫn mang hơi hướm văn hóa Chăm.

Các miếu thờ Bà ở xóm dưới, miếu ông Sỏi ở xóm trên, miếu Âm linh của làng ở Gò Giàng, miếu xóm Chay (Gò Vàng), cả khu vực chùa làng Thanh Quýt ở giáp làng An Tự và Vườn Chàm ở xóm dưới cho thấy các di tích này rải đều trong các không gian cư trú hiện nay và ở tại các vị trí đất cao của từng khu vực, tương tự di chỉ Bồ Mưng gần đó mà G.Coedes và H. Parmentier đã mô tả (1923).

Trong tài liệu “Di tích Chàm trong văn hóa dân gian An Nam tại Quảng Nam” do bác sĩ A. Sallet viết cùng năm 1923 còn cho thấy “Các di tích Chàm tuy mất đi vẫn còn lờ mờ trong một vài tên địa dư nào đấy…”. Vậy thì, trong 12 xứ đất ở làng Thanh Quýt xưa gồm Lệ Thủy, Bắc Bằng, Bàu Đưng,Thanh Luy tiền, Thanh Luy Trung,Thanh Luy hậu, Mụ Đội, Bàu Nhơn, Minh Thượng, Trà Cổ, Thạch Não nội và ngoại, đã có 3 xứ đất sau cùng mang âm hưởng Chăm rõ rệt! Âm linh Gò Giàng, Miễu thờ Bà, Miễu Ông Sỏi cũng vậy!

A.Sallet ghi chép về Miễu ông Sỏi: “Bên cạnh một cây đa lớn có một cột đội vòm bằng đá tuyệt tác, có hoa văn phong phú lại mang 3 chữ Hán có tính phô trương uy lực để thờ các vị thần tác ác: Thần thạch cảm đương”. Tôi đã đến khảo sát dưới chan cây đa lớn này và nhận thấy còn rất nhiều gạch Chăm nằm bên dưới chân móng của công trình Miễu Ông Sỏi được các lớp người trước xây dựng ở đây. Đây cũng là loại gạch vẫn còn trên một bờ móng lớn bao quanh Âm Linh xóm Trên ở Gò Giàng, giống hết loại gạch xây dựng các công trình thuộc Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình) đang được giữ tại UBND xã Bình Định Bắc. Điều này cho thấy, các công trình tin ngưỡng của người Việt thường được xây dựng trên một công trình cũ của người Chăm mà ta vẫn thấy ở Khuê Trung, Phong Bắc ngày nay…

A. Sallet viết tiếp: “Tại làng Thanh Quýt, một hôm nọ, trong góc sân chùa tôi thấy được một "dương vật" đầy đủ, nguyên vẹn nằm trong cái chậu của nó...(A. Sallet, 1923). Đó chính là một Linga và Yoni của người Chăm được thờ ở các cơ sở tín ngưỡng của họ. Ngày nay, trên khu đất của chùa làng Thanh Quýt vẫn còn lại nhiều loại gạch như đã mô tả ở miễu Ông Sỏi. Như vậy, cùng với ghi chép của Sallet, chúng ta có thể nghĩ rằng ngôi chùa mang tên Yên Ba tự do ngài Trương Công Trinh ( đời thứ 3 tộc Trương Công Thanh Quýt) xây dựng vào thế kỷ 17 cũng được xây dựng ngay trên nền móng của một công trình tín ngưỡng của người Chăm trước đó…

Đến đây tôi lại nhớ một đoạn văn trong sách Phong tục phủ Triệu Phong của Dương Văn An ( 1555) khi viết về Thanh Quýt:”Kim Quất đẫm sương vàng rực/Thúy Loan mưa dội xanh um”. Sương vàng rực này liệu có liên quan gì đến những gò Giàng, gò Vàng, vốn là những chỗ các đến tháp cổ đã bị đổ nát qua thời gian ở làng Thanh Quýt?

Nói đến phong tục ở Thanh Quýt, cũng cần nhắc lại những hình thái sinh hoạt mà tôi cho rằng đã có ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa Chăm. Đó là trò chơi U Mọi. Trước năm 1965, trò chơi này rất phổ biến. Trai tráng chia làm hai phe, phân chia địa giới bằng một đường cai vẽ trên đất. Từng người một của mỗi phe dùng miệng u-u liền một hơi khi vượt qua địa giới sang bên kia. Chỉ cần chạm tay vào một “địch quân” rồi chạy về mà vẫn chưa dứt tiếng u-u thì coi như “giết” được địch. Nếu bị bắt lại, tắt tiếng u u là “chết”. Cứ thế, mỗi bên tiếp tục trổ tài bằng làn hơi dài để “u-u” và sức mạnh cơ bắp để thoát ra khỏi sự vây bắt của đối phương. Bên nào bị chết hết quân thì bên ấy thua! Trò U Mọi này hồi đó, rất hấp dẫn vào những đêm có trăng sáng ở làng quê Thanh Quýt và có thể ở nhiều làng quê khác!

Tục cúng đất hay tá thổ: là để tạ ơn những lớp người đã khai canh khai cư ra mảnh đất mà nay ta an cư lạc nghiệp vào những dịp đầu năm với những bài văn ghi tên những chủ "Ngung - Man - Nương" và tên một số tiên dân khác: "Lồi, Lạc thương vong, Chăm - Chợ - Mọi rợ ...”  Mâm cúng bao giờ cũng có những món mà theo mô tả của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân thì: “ Lễ được cử hành vào tháng ba…Mâm cơm có cá chiên, cá nướng, bát canh... Cúng thổ thần có trầu, cau, rượu, đồ giấy. Quan trọng hơn cả là bộ tam sinh: 3 tôm, 3 cua, 3 trứng, nải chuối, chè xôi và đặc biệt còn có mắm cái, rau lang luộc, thêm khoai lang cu, sắn củ, mía, bắp trái luộc, nước trắng lấy ở giữa dòng sông... Các món cúng khác với lễ kỵ giỗ truyền thống đã đành mà còn tiêu biểu cho thục đơn của tiên dân; mắm cái là món ăn khoái khẩu nhất khi đi đôi với rau lang (không phai rau muống)…Cũng chú ý rằng người Quảng Nam luộc rau lang chấm mắm cái nhưng không đặt lên bàn thờ cúng ông bà. Còn như các món khoai, sắn, bắp, nước giữa dòng thì hoàn toàn đặt ra ngoài nghi lễ Việt Nam.Cúng xong, bỏ dỗ ăn vào cái xà - lét (bị) treo lên các trụ cổng. Có người lấy bẹ chuối, bẻ theo hình thuyền, đặt xà - lét lên rồi đưa ra giữa dòng sông”… (có khi treo ở ngã ba đường-TĐT)…

Người nông dân Thanh Quýt khi dắt trâu đi cày vẫn dùng những từ dường như ảnh hưởng người Chăm là Hò rì hò tắt , khác hẳn những vùng khác. Về ăn mặc, khoảng những năm 60 thế kỷ trước tôi vẫn thấy những cụ già trong làng quấn khăn trên đầu kiểu người Chăm hiện nay ở Ninh Thuận…

Tóm lại, những di tích vật thể và phi vật thể từ văn hóa Chăm tồn tại ở Thanh Quýt cho tới nay đã thể hiện đây không chỉ là một làng cổ trong 66 làng ở Điện Bàn (thuộc phủ Triệu Phong) từ trước 1555, mà còn cho thấy, những tiền hiền các tộc của làng từ phía Bắc vào định cư ở đây đã thừa kế và phát triển những cơ sở đã có sẳn từ một làng Chăm về không gian cư trú -canh tác - mộ táng và tín ngưỡng, phong tục. Đó là một sự giao thoa đầy ý nghĩa trong văn hóa để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

[Trở về]
Các tin cũ hơn:
Khánh thành nhà lưu niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi


 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập