Một thời, mảnh đất này được xem là một trong những nơi có ngành nghề chính là trồng mía, làm đường nổi danh bật nhất ở miền Trung. Ngày ngày, tiểu thương từ khắp chốn gần xa kéo về mua bán, vận chuyển đường rất tấp nập, nhốn nháo cả một miền quê... Nhất là những dịp xuân sang, trên bàn thờ ông bà ngày tết không thể không có một bát đường để cầu cho một năm mới vẹn tròn, suôn sẻ.
Xưng danh khắp chốn
Theo "Bảo An đất và người" (NXB Đà Nẵng - 1999) cho biết: "Làng Bảo An có Bến Đường, tức là bến sông từ Bảo An ra sông Thu Bồn để chở đường của làng Bảo An đi bán khắp nơi trong nước: “Bảo An trên bến dưới thuyền/ Góp phần phong phú một miền đồng quê”.
Chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Đình Lắm (60 tuổi ở làng Bảo An Đông, xã Điện Quang), ông là “hậu duệ” duy nhất còn lưu lại dấu tích của làng đường nổi tiếng này. Ông kể, làng đường Bảo An được hình thành từ mấy trăm năm trước, nhưng từ thời gian chiến tranh thì bị thất lạc. Mãi cho đến khi giải phóng về thì bà con trong vùng mới vận động nhau vực dậy cái nghề truyền thống của ông bà. Từ năm 1979, bắt đầu từ mười hộ dân trong làng được vận động khai hoang trồng mía. Lúc đó làng Bảo An chỉ phát triển nông nghiệp với việc trồng mía và bông để phục vụ cho ngành tiểu thủ công nghiệp là làm đường và dệt lụa. “Làm đường hồi đó sướng lắm, đàn ông thì làm đường, đàn bà con gái đua nhau gánh đường qua cầu Kỳ Lam, sang đến chợ Phong Thử để bán, ở đâu cũng nghe tiếng”, ông nói.
Đến đây, cụ Nguyễn Thị Lê (cô ruột của ông Lắm) tiếp chuyện: “Lần nào tôi sang chơi mà thấy cái chảo mật nấu đường là như nhớ lại hồi còn trẻ. Hồi đó ngoài đồng mía được trồng tràn lan. Tới mùa thu hoạch, trai làng người thì chặt mía, người nhóm lửa nấu đường nhộn nhịp đông vui lắm”.
Nhiều người cũng kể rằng từ xa xưa, vua Minh Mạng đã cho đào sông Câu Nhí để cho ghe bầu vào tận làng thu mua đường. Bến Đường cũng ra đời từ đó. Như vậy, làng đường Bảo An đã tồn tại suốt gần 3 thế kỷ.
Chén đường đong đầy tâm huyết
Nói về bí quyết làm đường, ông Lắm cho biết: Cây mía sau khi được thu hoạch thì được róc sạch, chặt ngắn rồi mang vào chòi đạp trâu (hay con gọi là lò mía đạp trâu thủ công). Tại đây, mỗi cây mía khi được mang vào sẽ được kẹp vào hai ông che, sau đó cho cần gài vào con răng rồi cho con trâu chạy vòng quanh để ép ra nước giống như máy ép nước mía bây giờ.
Nước mía khi được ép xong sẽ được đun sôi trên chảo lớn. Sau đó, người ta vớt bỏ lớp bọt rồi đổ phần nước vào thùng lóng. Họ phải cẩn thận để mức độ chua của nước đường phải phù hợp bằng cách hòa nước vôi vào để coi phản ứng. Nếu thiếu vôi thì nước sẽ dẻo, dư vôi thì đường có màu sậm không đẹp. Ngoài ra, bát đường ngon hay dở cũng nằm ở chất lượng của cây mía. Ông nhấn mạnh: “Đừng bao giờ được để dư vôi, nếu dư vôi thì phải múc thêm nước mía chưa có vôi đổ vào cho vừa mức độ. Đặc biệt, thùng lóng nước đường phải được làm bằng gỗ mít thì mới lóng được cặn mía một cách sạch sẽ và không độc hại”.
Sau khi nước đường đã vừa tới thì đổ vào thúng rót, lúc mới múc lên thì đường lỏng, phải dùng chảo đánh khi nào đường đặc ra cát rồi mới tiến hành đổ vào chén đường. Đường sau khi đông lại được vùi vào rơm khô để hút ẩm rồi mang đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đình Lắm bên chiếc chảo cuối cùng của làng đường Bảo An
Người làng Bảo An bao đời dành cả tấm huyết vào trong mỗi chén đường. Những gánh đường không chỉ thơm mùi mật, ngọt vị đường mà còn là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống đã tồn tại mấy trăm năm của người trong làng. Cho đến bây giờ, khi ngành công nghiệp đường phát triển, sự xuất hiện của những loại đường hóa học đã hạn chế sự tiêu thụ của loại đường bát thủ công này. Thế nhưng giá trị của nó vẫn không thể đổi trong những sự kiện quan trọng, nhất là vào dịp ngày lễ tết. Chị Nguyễn Thị Em, một tiểu thương đã nhiều năm kinh doanh loại đường này cho biết: “Dù người ta hiện nay toàn dùng các loại đường hóa học, thế nhưng trong những ngày tết không thể thiếu sự có mặt của một bát đường. Bát đường tượng trưng cho sự trọn vẹn, suôn sẻ và may mắn trong năm mới”.
Không những vậy, loại đường bát thơm ngon này chính là phần hồn trong các loại bánh tổ, bánh nổ truyền thống đã tạo nên cốt cách của con người xứ Quảng. Đó là hương liệu không thể thay thế trong các loại bánh đặc sản của người dân Quảng Nam cho đến tận bây giờ.
Lưu giữ giá trị “vàng son”
Chiếc chảo đường duy nhất của làng Bảo An vẫn được con cháu trong nghề lưu giữ mấy chục năm qua giờ đây trở thành một chứng tích cho những năm tháng tung hoành ngang dọc của các tay thợ trong làng. Đến bây giờ, ông Lắm, bà Lê vẫn còn đau đáu, đó là làm cách nào để phục hưng lại làng nghề. Vốn là con cháu dâu của ông Thủ Thưởng – người làm đường nổi tiếng nhất làng, vì thế bà Lê cũng được trau dồi kiến thức và được chỉ vẽ các phương pháp làm đường. Thế nhưng sự ra đời của các loại đường công nghiệp khiến cho loại đường truyền thống này dần đánh mất đi vị thế, cùng với đó là những khó khăn trong việc trồng mía đã làm cho món hàng này không còn đứng vững trên thương trường. Để đến bây giờ, mỗi độ tết đến xuân sang thì người ta lại nhìn bát đường cúng tổ tiên mà hoài niệm về những vần thơ cũ “Nông Sơn than đá thiếu chi, Bảo An đường tốt, Trà My quế nhiều”.