Là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch, nơi hội tụ của: du lịch sinh thái sông nước, làng quê với nhiều ngành nghề truyền thống, lại có Dinh trấn Thanh Chiêm nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ, có lịch sử hình thành lâu đời... nên được xác định là xã trọng điểm trong việc phát triển du lịch của huyện.
Tiềm năng du lịch lớn
Các làng nghề truyền thống, ẩm thực phong phú: Điện Phương được biết đến với nhiều làng nghề, ẩm thực nổi tiếng :làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều, làng bánh tráng - mỳ quảng Phú Triêm, chạm khắc gỗ truyền thống Nguyễn Văn Tiếp, đất nung nghệ thuật Lê Đức Hạ, chiếu chẻ Triêm Tây, Bê thui Cầu Mống...Các làng nghề có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, đến nay nhiều làng nghề hoạt động đã có tên tuổi và được nhiều người biết đến, cả trong lẫn ngoài nước.
Du lịch sinh thái làng quê
Triêm Tây -một hòn đảo nổi giữa bốn bề sông nước Thu Bồn, một làng quê nổi tiếng với nghề dệt chiếu truyền thống, với 147 hộ dân làm nghề dệt chiếu và nghề nông. Đây được xem như là điểm nối giữa di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn bằng đường sông. Hiện tại, Triêm Tây còn lưu giữ khá đậm nét giá trị văn hóa thuần Việt với phong cảnh làng quê yên bình cùng những con đường làng rợp bóng tre và hàng chục ngôi nhà ba gian đặc trưng vùng quê xứ Quảng. Trên vùng đất này đang xúc tiến một dự án du lịch sinh thái sông nước -làng quê, đây được xem là điểm nhấn du lịch của xã và từ đây tạo sự sẽ lan tỏa ra các khu vực xung quanh.
Làng Đông Bình, thôn Triêm Đông 1, xã Điện Phương cũng là nơi còn giữ khá đậm nét phong cảnh làng quê với những con đường khuất bóng dưới hàng tre, bóng dừa, đặc biệt đây còn là nơi có nhiều hộ dân tráng bánh nhất trong xã. Đông Bình lại tiếp giáp với phường Thanh Hà, Hội An và Triêm Tây. Nhiều khách du lịch nước ngoài đã tự tìm đến với Đông Bình bằng xe đạp, để được đạp trên những con đường làng, được xem bà con nông dân cấy lúa, tham quan chợ và vào thăm cơ sở sản xuất bánh tráng của các hộ dân …Nếu có thể kết nối du lịch với Hội An, Triêm Tây đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai không xa.
Tiềm năng về du lịch văn hóa lịch sử
Dinh trấn Thanh Chiêm xưa và nay là làng Thanh Chiêm thuộc xã Điện Phương, vốn là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của Đàng Trong,được chúa Tiên - Nguyễn Hoàng xây dựng vào năm Nhâm Dần 1602 và cử hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) làm trấn thủ để cai quản và mở mang bờ cõi về phương Nam. Trải bao biến thiên lịch sử, vùng đất một thời là chốn phồn hoa nay chỉ còn lưu vài dấu tích, đang cần tôn tạo, phục dựng để nhiều người được biết đến.
Đình An Nhơn là ngôi đình cổ được các vị vua triều Nguyễn đặc biệt quan tâm giao nhiệm vụ giữ các sắc phong ban cho các vị thần hiển linh có công lập làng, giữ nước, che chở cho nhân dân được UBND Tỉnh công nhận là di tích văn hoá - lịch sử cấp Tỉnh là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân xã Điện Phương nói riêng và của huyện Điện Bàn nói chung.
Những nỗ lực phát triển tiềm năng
Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-HU của Huyện ủy, Nghị quyết 04/2007/NQ-HĐND của HĐND huyện về thông qua Đề án phát triển du lịch của Điện Bàn giai đoạn 2007-2015. Cùng với sự hỗ trợ của các ban ngành của huyện, Đảng ủy-HĐND-UBND-UBMT xã cùng với nhân dân đã tích cực tuyên truyền, hoạt động và thu về nhiều kết quả tích cực, bước đầu tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CN-TM-DV-TTCN.
Người dân trong các làng nghề thống ngày càng nâng cao ý thức, tâm huyết hơn với nghề hơn, nên nhiều làng nghề được duy trì và mở rộng.Tham gia các hội chợ, các cuộc thi qua đó giới thiệu, trưng bày các sản phẩm của làng nghề truyền thống. UBND xã đã lập hồ sơ thành lập một số Hội nghề nghiệp, đến nay Hội nghề đúc Phước Kiều đã được công nhận với 21 thành viên.
Huyện đang triển khai xây dựng cụm du lịch làng nghề Đông Khương với quy mô lớn nhằm thu hút các cơ sở sản xuất làng nghề hội tụ vào đây để hình thành một khu phát triển du lịch với quy mô vừa sản xuất, vừa giới thiệu các sản phẩm du lịch gồm các mặt hàng làng nghề truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ, văn hóa ẩm thực. Đặc biệt, qua cụm làng nghề du lịch này sẽ quy tụ các nghệ nhân, các tay thợ lành nghề biểu diễn, giới thiệu với du khách các công đoạn sản xuất thủ công với những bàn tay tài hoa và đầy sáng tạo, để tạo nơi đây thành điểm dừng chân ấn tượng với du khách,
Khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây xã Điện Phương được xây dựng vào tháng 6/2009, có tổng diện tích 13.447 m2. Năm 2011, Dự án Nhà vườn Triêm Tây chính thức đi vào hoạt động, mục tiêu được đặt ra khi triển khai dự án là giữ đất, giữ dân và giữ làng. Dự án ra đời góp phần giữ bản sắc văn hoá làng quê, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Triêm Tây, mang lại một sắc thái mới cho vùng quê yên bình này.
Đến đây du khách được khám phá thiên nhiên, tiếp cận văn hoá và con người địa phương trong lao động sản xuất, sinh hoạt. Người đã đưa ý tưởng thành hiện thực, từ một vùng sông nước trở thành khu du lịch nên thơ đó là kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc. Ông sinh ra tại Việt Nam, sang Pháp năm 7 tuổi, tốt nghiệp khoa kiến trúc đô thị Đại học mỹ thuật Pari năm 1969. Năm 1995, ông về Việt Nam thực hiện các công trình làng quê sông nước tại Hội An, Trung Phước và Triêm Tây.
Theo kế hoạch, ngoài mục tiêu nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho người dân Triêm Tây thông qua các khóa tập huấn về kỹ năng du lịch, cải tiến nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, đào tạo nâng cao tay nghề dệt chiếu cho lao động địa phương, dự án cũng sẽ triển khai xây dựng kè sinh học chống sạt lở quanh làng, xây dựng bến thuyền, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, xây dựng các tiểu cảnh, không gian giao tiếp cộng đồng; Đầu tư vùng nguyên liệu dệt chiếu, hỗ trợ kỹ thuật trồng cói và quy trình chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất… Đặc biệt, đến quý IV năm 2015 sẽ hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ du lịch như lưu trú nhà dân (homestay), trải nghiệm dệt chiếu, du thuyền trên sông, đánh bắt thủy sản cùng người dân; tour đi xe đạp hoặc đi bộ quanh làng; tham gia các trò chơi dân gian, dạy nấu ăn, dạy tráng mỳ…
Những vấn đề tồn tại
Điện Phương có tiềm năng lớn nhưng lại chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch để giới thiệu kết nối tours. Nhiều điểm du lịch, nhiều làng nghề nhưng phát triển một cách rời rạc, từng mảng,thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết, thống nhất tạo nên điểm nhấn du lịch cho xã. Cơ sở hạ tầng phụ vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, triển khai còn chậm. Các Hội nghề nghiệp chưa được hình thành, quảng bá rộng rãi.Các di tích văn hóa lịch sử chưa được quan tâm đầu tư, đặc biệt là di tích bia chữ quốc ngữ….
Bước đột phá để tạo bước chuyển mình.
Nằm trên con đường gắn kết di sản bên cạnh Hội An, Đà Nẵng, Mỹ Sơn, Điện Bàn nói chung và Điện Phương nói riêng khó lòng tạo nên một dấu ấn riêng cho mình. Tuy nhiên khó không phải là không được,bởi Điện Phương vẫn có dấu ấn mà không nơi nào có thể có được, cái khó là chúng ta chưa thể phát huy, do chưa đủ nguồn lực để phát triển. Chính vì thế mới cần sự chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã đặc biệt là các ban, ngành có liên quan. Sự ý thức của người dân Điện Phương, lòng nhiệt tình của người dân bản địa trong việc kêu gọi sự đóng góp của những người con xa quê, những người đang làm việc trong các ngành du lịch ở Hội An, để hiến kế, để giới thiệu, quảng bá, để thêm nguồn lực cho việc phát triển du lịch. Như vậy, bước chuyển mình là điều có thể nếu tất cả chúng ta, cả cộng đồng cùng chung tay thực hiện.