Chi tiết tin tức
Làng nghề đúc đồng Phước Kiều – Quảng Nam!
Người đăng: Quản trị viên .Ngày đăng: 06/02/2013 .Lượt xem: 2682 lượt.
Nằm trên Quốc lộ 1A, TP.Đà Nẵng 25km về phía Bắc, cách TP.Tam Kỳ 40km về phía Nam, làng đúc đồng Phước Kiều thuộc địa phận xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam từ lâu đã được nhiều người biết đến và được truyền tụng qua câu ca “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều”.
Làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều hình thành từ thời các chúa Nguyễn. Làng có nguồn gốc từ Thanh Hóa, do một người tên là Dương Tiền Hiền di cư vào đây truyền dạy. Cuối thế kỉ XVIII, ở đây hình thành hai khu vực là phường tạc tượng Đông Kiều và phường chú tượng Phước Kiều. Đến đầu thế kỉ XIX, triều Nguyễn sáp nhập 2 phường tạc tượng và chú tượng để hình thành “xã hiệu Phước Kiều”, còn gọi là làng đúc đồng Phước Kiều tồn tại đến ngày nay. Thời hoàn kim của làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều được nhiều người biết đến dưới thời Tự Đức.



Sản phẩm của làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều không chỉ là những nhạc cụ dân tộc mà còn có cả tượng, phù điêu và các mặt hàng trang trí khác. những sản phẩm của làng nghề khong chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn cung cấp cho các dân tộc từ Nam Đông - A Lưới (các vùng dân tộc miền núi của tỉnh Thừa Thiên-Huế) đến tỉnh Bình Phước và là nơi cung cấp nhiều nhạc cụ của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên.

Đặc biệt, những sản phẩm làm ra hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Trong những sản phẩm của làng nghề thì Chiêng và Thanh la là hai thứ “đặc sản” với độ ngân vang xa nhất và những thang âm chuẩn mực. Nhờ kỹ thuật pha kim và trình độ thẩm âm bậc thầy của các lão nghệ nhân trong vùng, hai loại nhạc khí này ở đây được khách hàng khắp nơi đánh giá không đâu sánh bằng.



Để tạo nên những sản phẩm có âm thanh và đặc trưng riêng của Phước Kiều, những nghệ nhân ở đây có bí quyết riêng trong cách pha hợp kim đồng. Ngoài ra, để có được nhạc khí đạt tiêu chuẩn, người thợ mất nhiều thời gian, công sức với sự tỉ mỉ, khéo léo trong việc làm khuôn. Và tùy vào mỗi sản phẩm lại có cách pha hợp kim, cách làm khuôn, thậm chí cách nấu đồng khác nhau.

Hiện nay, sản phẩm của làng nghề không những đơn thuần là cung cấp nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước, mà làng nghề còn trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách, góp phần tăng doanh thu hàng năm cho tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt Phước Kiều là nơi gặp nhau của 2 điểm đến di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Hàng năm, lượng du khách đi qua địa bàn là rất lớn nên Phước Kiều sẽ có nhiều thuận lợi trong việc giới thiệu đến du khách sản phẩm, kỹ thuật chế tác cũng như những giá trị văn hóa của làng nghề.

Từ chỗ chỉ là những hộ gia đình sản xuất riêng lẻ, đến nay, làng nghề Phước Kiều đã hình thành một Hợp tác xã và các doanh nghiệp tư nhân, quy tụ hầu hết các nghệ nhân trong làng, với hơn 20 lò đúc đêm ngày đỏ lửa làm ra nhiều sản phẩm cung cấp nhu cầu cho người sử dụng và du khách thập phương.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ ban đầu 250 triệu đồng cho dự án “Phát triển làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều” theo hướng du lịch sạch. Bên cạnh việc giữ gìn uy tín và thương hiệu làng nghề, còn gắn với hướng du lịch văn hóa làng nghề, vừa bán sản phẩm làm ra, vừa trình diễn sản xuất để thu hút khách tham quan

Trải qua những biến động, làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều có lúc thịnh, lúc suy, như với quyết tâm bảo tồn bản sắc văn hóa của mình, người dân Điện Phương vẫn bám nghề và giữ gìn những nét truyền thống trong cách đúc đồng của một làng nghề cổ lâu đời. Bên cạnh đó, với sựquan tâm đặc biệt của Nhà nước và tỉnh Quảng Nam, làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều đang từng bước được hồi sinh, phát triển từng ngày, trở thành niềm tự hào của người dân Quảng Nam, người dân Việt Nam.
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Làng đúc đồng Phước Kiều hồi sinh
Đậm đà hương vị nước mắm Hà Quảng
Nhớ Bến Đường
Đam mê đất lửa
Làng đúc đồng Phước Kiều xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn đúc thành công Đài phun nước độc đáo
Quảng Nam: Phát triển làng nghề Phước Kiều gắn với du lịch
  
 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập