Chi tiết tin tức
Làng đúc đồng Phước Kiều hồi sinh
Người đăng: Văn Mến .Ngày đăng: 04/10/2018 .Lượt xem: 893 lượt.
Trên hành trình đi tìm dáng dấp, hình hài của các làng nghề một thời vang danh lịch sử ở vùng đất Quảng Nam, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự hồi sinh mạnh mẽ làng nghề đúc đồng Phước Kiều. Từ nguy cơ bị mai một lãng quên, nhưng với sự tâm huyết của các nghệ nhân đến nay Phước Kiều đã từng bước hồi sinh về thương hiệu…

    400 năm thăng trầm một làng nghề

Nằm kề bên quốc lộ 1A, thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, làng đúc đồng Phước Kiều là một làng nghề truyền thống nổi tiếng từ nhiều thế kỷ trước với các sản phẩm bằng đồng phục vụ trong các dịp tế lễ, hội hè, đời sống thường ngày như chuông đồng, chiêng, kiểng, mõ, phèng la; lư hương, chân đèn, nồi niêu, xoang chảo, chén bát và cả các loại binh khí cổ như gươm, dao, giáo, mác ... Làng nghề đúc đồng Phước Kiều nổi tiếng khắp vùng từng được ghi lại trong câu ca xưa "Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều".

Nghệ nhân Dương Ngọc Tiển (Giám đốc công ty TNHHDLTM Đồng Phước Kiều) người khá am hiểu lịch sử làng nghề cho biết, Làng đúc đồng Phước Kiều tồn tại khoảng 400 trăm năm, khi Dinh trấn Thanh Chiêm đặt tại đất Quảng Nam. Chúa Nguyễn đưa một số thợ lành nghề ngoài đất Bắc đi vào đất Thanh Chiêm để đúc sản vật, đúc vũ khí phục vụ cho phong tục, nghi lễ và chiến tranh với Chúa Trịnh. Làng nghề đúc đồng này ra đời từ đó. 

Vào những năm 50 của thế kỷ 20 làng nghề phát triển rất hưng thịnh, tiếng tăm lan ra các vùng lân cận. “Nhà nhà làm cồng chiêng, người người làm cồng chiêng, cả làng đi buôn cồng chiêng” nói về sự phát triển của làng nghề trước đây ông Tiển cho biết thêm.


         Đúc đồng Phước Kiều được nhiều người biết đến nhờ nghệ nhân nơi đây có đôi tay tài hoa và đôi tai nhạy bén biết "nghe, cảm" từng loại âm thanh để tạo ra nhiều nhạc cụ có âm riêng biệt, rất đặc thù và sắc nét.  Thợ đúc đồng Phước Kiều thừa hưởng bí quyết gia truyền đó là kỹ thuật pha trộn các kim loại khác trong lúc nấu đồng ở những mức nhiệt độ mà chỉ có những người trong nghề mới được truyền đạt.

Qua giai đoạn phát triển hưng thịnh, những năm tiếp theo thập niên 80 – 90 thế kỷ 20, làng đúc đồng có phần chững lại và gặp không ít khó khăn. Theo một số nghệ nhân già nhất làng nghề mai một bởi trước đây đa số các hộ chế tác cồng chiêng phục vụ cho các đồng bào dân tộc thiểu số từ Bắc Trường Sơn đến Nam Tây Nguyên. Nhưng từ khi văn hóa ngoại lai du nhập vào vùng cao, đồng bào không còn nhu cầu sử dụng cồng chiêng trong các lễ hội, thị trường bị thu hẹp các sản phẩm của làng nghề không có đầu ra, nghệ nhân dần bỏ nghề do không có thu nhập trang trải cuộc sống.  Một nguyên nhân khiến làng nghề bị mai một nữa đó là sản phẩm truyền thống không thể cạnh tranh được với các sản phẩm đồng làm từ máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại.

           Hồi sinh nhờ “giữ lửa” làng nghề

Không chấp nhận để làng nghề từng là niềm tự hào của người Phước Kiều chết dần chết mòn. Với quyết tâm “giữ lửa” và phục hồi làng nghề, nhiều thế hệ nghệ nhân xưa ở Phước Kiều như Dương Nhi, Dương Ngọc Tiển, Dương Ngọc Sang, …vẫn bám nghề và truyền nghề cho lớp hậu duệ, đưa sản phẩm của làng nghề ra thị trường cả nước và quốc tế.

Theo tìm hiểu, trong khoảng từ 5 đến 10 năm trở lại đây, Phước Kiều đã hồi sinh mạnh mẽ, kể từ khi tổ chức UNESCO công nhận không gian cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm cồng chiêng.. cho các dịp lễ hội bản địa của đồng bào tăng lên. Nhiều khách hàng quay lại với Phước Kiều đặt các sản phẩm trang trí nội thất cho các resot, khách sạn ở vùng ven biển trong và ngoài nước. Có đầu ra bán được sản phẩm nhiều nghệ nhân đã quay lại với nghề gia truyền của ông cha để sản xuất ra những sản phẩm tinh xảo phục vụ thị trường.

Ngoài các sản phẩm đã có thương hiệu, như cồng chiêng, lư đồng… thì các mặt hàng nội, ngoại thất mỹ nghệ tinh xảo, lạ mắt như đèn lồng, khay đồng, tượng phật, rồng, lân… đang tiêu thụ tốt ngoài thị trường. 


         Ông Dương Ngọc Tiển- Giám đốc công ty TNHH TMDL Đồng Phước Kiều, thành viên của Hiệp hội đúc đồng làng nghề Phước Kiều cho biết: So với vài năm về trước, làng nghề đúc đồng Phước Kiều đã có những khởi sắc đáng kể.  Hiện nay tính cả làng nghề có trên 20 hộ làm nghề với khoảng 50 lao động đáp ứng đủ yêu cầu về tay nghề. Sản phẩm đúc đồng Phước Kiều đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước  và xuất khẩu sang các nước trên thế giới với đặc trưng truyền thống không nơi nào có được. Điều đáng mừng nữa là làng nghề đã và đang hình thành được đội ngũ lao động kế cận với sự chỉ dạy tận tình của các cụ có trình độ uyên thâm về nghề đúc đồng trong làng.         Chia tay các nghệ nhân làng nghề Phước Kiều khi hoàng hôn dân buông xuống, tự nhiên đâu đây vọng lên âm thanh vang ngân của tiếng chiêng đồng được kết tinh từ bàn tay, khối óc và trái tim nhiệt thành của bao người thợ tài hoa xứ Quảng. Tin rằng tiếng chuông Phước Kiều sẽ ngân mãi với thời gian…             
[Trở về]
Các tin cũ hơn:
Đậm đà hương vị nước mắm Hà Quảng
Nhớ Bến Đường
Đam mê đất lửa
Làng đúc đồng Phước Kiều xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn đúc thành công Đài phun nước độc đáo
Quảng Nam: Phát triển làng nghề Phước Kiều gắn với du lịch
Làng nghề đúc đồng Phước Kiều – Quảng Nam!
  
 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập