Chi tiết tin tức
Men theo tiếng trống hội làng
Người đăng: Lương Linh .Ngày đăng: 23/02/2018 .Lượt xem: 855 lượt.
Tôi không có được những ký ức về Hội làng. Bởi khi tôi lớn lên, làng chỉ còn là khái niệm.

Ngay suốt thời tiểu học, chúng tôi ngày ngày tụ tập nhảy dây, búng su, ném banh dưới cái gốc gáo già đến mấy vòng tay ôm, hay chí chóe đuổi nhau trên cái nền đất cao, rộng, lổm nhổm gạch đá, um xùm cỏ dại nhưng cũng không hề bận tâm đó là nơi đâu, chỉ biết gọi chung chung là trường học Hội đồng (tận dụng nhà Hội đồng thời trước làm nơi dạy học).

Cho đến một ngày, cũng từ đám nhóc đùa nghịch, một cô bạn đã chạy ngã sấp mặt vào đống gạch đá. Chúng tôi ùa tới đỡ bạn, tá hỏa bởi máu me chảy tràn trên mặt, tèm nhem đất cát và nước mắt. Bạn được đưa tới nhà thương và sau này đã ghi dấu với vết sẹo chạy dài từ nửa đầu xuống trán. Đêm đó tôi đã có một giấc ngủ chập chờn với những tiếng ú ớ. Sáng mai, với vẻ mặt bơ phờ, tôi kể cho cô tôi về câu chuyện chiều qua và những điều mơ hồ trong giấc ngủ. Cô tôi đã già, nhà cô chỉ cách trường học Hội đồng của tôi một đám ruộng to. Nhà cô đơn chiếc, ba mẹ cho tôi ở với cô để vừa tiện đi học gần, vừa có người thủ thỉ nhổ tóc sâu. Cô tôi chép miệng: “Tội nghiệp, đá tản chân đình La Qua, linh thiêng lắm đấy!”

Lễ hội Tịch Điền - Diệm Sơn

Nhưng rồi, những mảng nhặt ký ức của cô cũng không giúp cho tôi mường tượng hết những hội hè đình đám của ngôi làng với cái đình “thình thình” ấy! Tôi đi tìm trong những trang viết. Rồi tôi mộng mơ gán ghép những nếp khăn đóng áo dài của các cụ già thì thụp bái lạy xuân kỳ thu tế ở miễu làng, ở nhà thờ tộc, với xanh đỏ tím vàng của những lá cờ ngũ sắc phất phới, quyện với mùi hương trầm nghi ngút, trong  âm âm tiếng chiêng bương bương, tiếng trống bầm bầm... Phần Lễ của làng với tôi chỉ là vậy! Rồi Hội, có không nhỉ ! Thực ra, cũng là sự “ép uổng” trong  tôi để đẩy những trò vui ấy về không gian mơ ước của riêng mình.  Làm sao có được những bãi cỏ xanh, những trai thanh gái tú dập dìu, áo quần thướt tha tụ về vui Hội như những lời bay bướm rộn ràng trong các trang viết kia! Hội của tôi có được là những  sân khấu hát Bội của những đêm lon ton chạy theo mẹ đến tận Gò Đình. Cũng chẳng xem được nhiều, cũng chẳng hiểu được mấy, chỉ  đọng lại trong đầu là tiếng trống Tuồng giục giã, giọng hát ứ a và con đường về gập ghềnh ngủ gà ngủ gật. Rồi những buổi theo mẹ ngồi hóng bài chòi nơi sân kho hợp tác. Cũng chẳng có cái chòi mô, chỉ có mấy dãy ghế của nhà họp được xếp thành hình chữ nhật. Mọi người quây quần chung quanh cái cọc tre cao chừng đầu người có treo tòn ten một ống tre như ống đũa. Trong đó có các con bài. Cờ đỏ bài tới thì cắm trên mấy khúc thân cây chuối đặt trên chiếc bàn gần đó. Cờ xanh, thẻ bài và những người tổ chức. Cũng chẳng có áo xanh áo vàng cho người chạy cờ. Người hô hát thì tùy, lượm lặt trong cả mấy đội sản xuất cũng chỉ được vài bác có giọng hô vang vọng, lại biết ứng biến lời hát theo các con bài với nhiều nghĩa vui nhộn khiến người chơi hứng thú, còn đa phần những người khác, chỉ cứ mãi một câu, kiểu như: Con Ngủ (ngày) nó ra rồi thì đến con gì đây, tôi bốc con gì đây... Thế nhưng, tiếng trống ầm ầm reo hò, tiếng hô: tới rồi! tới rồi! cùng những nói nói cười cười... cứ neo vào ký ức tôi những dấu ấn không thể xóa nhòa!

Mang theo giấc mơ thơ trẻ, tôi có dịp tìm đến với những tiếng trống Hội làng. Nhưng cũng không còn nhiều. Lễ hội dân gian truyền thống ở Điện Bàn trong  thời tôi nhận biết được còn đếm trên đầu ngón tay. Và theo tôi, cái nghĩa“dân gian” cũng đang dần phai theo những bộn bề  đổi thay  cuộc sống. Lý do thì có lẽ nhiều. Dễ dàng nhận biết nhất bởi làng bây giờ chỉ là “danh” chứ không còn “địa” nữa, chưa kể một số “danh” đã thành quá vãng. Hơn nữa, lịch sử khốc liệt của vùng đất này đã xóa đi không biết bao nhiêu ngôi đình – linh hồn, trung tâm của làng. Nhưng cũng thật may mắn, những lễ hội còn lưu giữ đến hôm nay ở Điện Bàn lại có sự phân bổ tương đối hợp lý trên địa bàn Thị xã với những nét riêng biệt.

Nhiều năm gần đây, lễ hội Thanh Minh Điện Quang đã để lại những dấu ấn đặc sắc và ý nghĩa, nhất là với những người con Điện Bàn xa xứ. Từ truyền thống tổ chức giỗ tộc vào ngày Thanh Minh của các dòng họ, Điện Quang đã kết nối thành một lễ hội đậm chất bến bãi, sông nước Thu Bồn. Thành công của Điện Quang là đã quy tụ được đông đảo con cháu xa gần của hầu hết các dòng tộc trên địa bàn, cùng chung sức không chỉ xây dựng dòng tộc phát triển mà đóng góp cùng với quê hương phát triển đời sống nhân sinh. Tham dự Thanh Minh tại Điện Quang, hòa cùng nhang khói trang nghiêm từ lễ đường của các nhà thờ tộc, chiêm ngưỡng sự cẩn trọng, tỷ mỉ bày hoa quả, bánh trái trong các mâm cỗ lễ, rồi trang trọng theo các đoàn người khăn đóng áo dài, cờ xí phất phới, trống chiêng vọng vọng diễu qua các đường làng để tụ về nơi tế lễ trung tâm của xã… mới cảm hết được ý nghĩa sâu xa của ngày Hội làng. Trong tiết trời đêm Thanh Minh thoảng cơn gió nhẹ, giọng vị bô lão chủ tế đại diện cho các dòng tộc lúc trầm lúc bổng, như hòa quyện với đất trời cỏ cây sông nước, âm vọng hào khí linh thiêng của vùng đất Thu Bồn, gợi bao da diết về tình yêu xứ sở…

Lễ tế Thần Nông - Diệm Sơn

Cùng với Gò Nổi địa linh, lễ hội Cầu Yên đình làng Đông Bàn, Điện Trung mang đến một cảm nhận khác. Vẫn không gian mùa xuân yên ả, các sắc hoa dại vẫn ngập ngừng trên lối cỏ, nơi ấy, đoàn người khăn áo chỉnh tề rước nước từ giếng cổ Bốn Trụ về đình làng tế lễ. Lễ hội Cầu Yên, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cỏ cây vạn vật sinh sôi nảy nở…là một trong những Xuân kỳ mà ta có thể gặp đâu đó trên các nẻo làng dọc dài mảnh đất miền Trung này. Nhưng về với Cầu Yên đình làng Đông Bàn, bạn có thể hòa cùng đoàn người rước nước, lắng nghe câu chuyện lưu truyền về cái giếng cổ, về dòng nước ngọt lành tinh khiết tắm gội bao tâm hồn người con vùng đất này. Phải chăng, nước chính là ngọn nguồn của bãi bờ Gò Nổi. Dòng nước Thu Bồn trĩu nặng phù sa đã lắng hình nên vùng đất xinh tươi này. Cuộc sống sinh sôi, giếng nước cũng chính là văn hóa văn minh trong đời sống cộng đồng, là sự gắn kết xẻ chia tình làng nghĩa xóm. Tôi lại liên tưởng đến người con ưu tú của làng Đông Bàn – Danh thần Phạm Phú Thứ. Trong sự nghiệp lớn lao mà ông đã để lại cho đời, chẳng phải cũng có một vấn đề quan trọng liên quan đến nước đó sao. Xe nước dẫn thủy nhập điền, rồi những chính sách tâu trình để trị thủy, hạn chế hạn hán,lũ lụt, phát triển nông nghiệp… là những tâm huyết một đời của cụ Phạm. Những đóng góp của cụ, giống như dòng nước ngọt lành tinh khiết kia, luôn mang đến cho đời những khát vọng về cuộc sống đổi thay và no ấm.

Rời vùng đất nặng phù sa, tôi đi về phía biển. Lễ hội Cầu ngư mùa cá nam tháng tư. Trong hương biển nồng nàn, tiếng con Trạo dậm chèo, tiếng hò Tổng lái, Tổng thương … hòa cùng sóng vỗ. Lễ hội Cầu ngư Điện Dương, tế lễ Lăng Ông, hò Bả trạo và những hoạt động thể thao bãi biển… đầy ước vọng về những khoang thuyền đầy ắp cá. Tuy vạn chài ngày càng hẹp dần, phần hội năm nhặt năm thưa,nhưng truyền thống tế lễ Lăng Ông vẫn được các vạn duy trì đều đặn.

Ngược lên vùng tây Điện Bàn, tháng 10 âm lịch, lễ hội Tịch điền đình làng Diệm Sơn, xã Điện Tiến. Gắn với câu chuyện lưu truyền về vị Tướng công dũng mãnh- Thành hoàng của làng cùng con ngựa chiến hiếu nghĩa, đình làng Diệm Sơn còn có trang sử hào hùng về những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Ngay cạnh đình làng là miếu thờ Thần Nông. Sau khi rước lễ, phẩm vật của dân làng cung kính dâng lên tế lễ tại Đình làng là phần nghi lễ cúng Thần Nông và ngày hội Tịch điền. Lễ hội truyền thống này đến nay vẫn được duy trì dù hầu như cái cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau hiếm hoi được nhìn thấy nữa. Có lẽ vì thế mà lễ hội năm qua, Diệm Sơn đã đưa vào hậu cảnh tịch điền là đám máy cày nổ xình xịch, trong chớp nhoáng đã cày lật một bãi đất rộng lớn. Yếu tố “hiện đại hóa” này có lẽ cũng còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng xét về bản thể của lễ hội này chính là sự cầu mong một mùa màng thuận lợi, tươi tốt. Con trâu, cái cày hay cả cái máy cày kia cũng chỉ là công cụ để thực hiện cách thức sản xuất nông nghiệp. Hình ảnh máy cày chính là sự chuyển hóa mạnh mẽ của văn minh lúa nước trong thời điểm hiện tại. Nhìn ở góc độ khác, đây cũng chính là một vấn đề của công tác bảo tồn, đó là lưu giữ lại lịch sử của chính sự vật ấy. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều công cụ hiện đại khác thay thế chiếc máy cày hôm nay. Vậy nếu như Diệm Sơn vẫn lưu giữ được lễ hội Tịch điền theo kiểu tiếp biến này thì có nghĩa họ đã thành công trong việc tôn vinh, lưu truyền, kể lại lịch sử công cuộc cày cấy, xuống đồng của ông cha mình.

Đội Bả Trạo Điện Dương


Lễ hội, những năm gần đây cũng làm tốn không ít giấy mực báo giới và thời lượng của truyền thông. Bộ ngành quản lý nhà nước cũng “đau đầu” về những bước chuyển hóa cũng như cách “thêm bớt” trong các lễ hội. Tuy vậy, trong phạm vi nhỏ của Thị xã Điện Bàn, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống thông qua các lễ hội vẫn được thực hiện tốt. Ngoài các lễ hội truyền thống, các ngày hội khác cũng được tổ chức như: Giỗ tổ Hùng Vương tại Điện Trung, giỗ tổ làng đúc Phước Kiều Điện Phương… Về cơ bản, các phần lễ đều lưu giữ được bản sắc riêng của từng vùng đất. Phần hội thì tùy thuộc vào công tác xã hội hóa của địa phương mà có quy mô khác nhau. Cũng đã hạn chế và hầu như không còn hình thức “sân khấu hóa” lễ hội mà tập trung vào việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của vùng miền.

Vòng quay cuộc sống không ngừng diễn ra, nhu cầu hưởng thụ và đáp ứng yêu cầu cao trong lĩnh vực đời sống tinh thần đang phát triển theo hướng ngày càng hiện đại. Lưu giữ những giá trị chân quê trong đời sống công nghiệp, văn minh hiện đại là một vấn đề trọng tâm của bảo tồn bản sắc văn hóa.

Với riêng tôi, tiếng trống  Hội làng vẫn luôn âm vọng, neo giữ và kết nối trái tim, tâm hồn của những đứa con quê!

[Trở về]
Các tin cũ hơn:
Trang sức bằng vàng trong văn hóa sa huỳnh phát hiện ở Điện Bàn
Lễ hội Thanh Minh lần thứ 5
  
 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập