Chi tiết tin tức
Miền thơm mùi gỗ
Người đăng: Song Anh .Ngày đăng: 10/02/2017 .Lượt xem: 760 lượt.
Không phải xứ núi non với trùng trùng cây cỏ. Càng không phải chốn quê nhà với những phường thợ mộc tăm tiếng vang tận đất thần kinh xưa. Nhưng lạ lùng, mỗi lần đặt chân qua khỏi cầu Câu Lâu, tôi lại mường tượng về mùi hương riêng có của đất này. Mùi của gỗ mộc, mùi lim, mùi sồi, mùi xoan, mùi mít… ở đâu đó cứ phảng phất theo những làn gió xuân.

Và tôi tự đặt tên cho đất này trong tâm tưởng mình, là miền thơm mùi gỗ… Tôi nói với bè bạn khắp chốn, bằng cái lòng tự hào của một người lỡ mắc mứu đời mình với nơi cuối dòng sông, rằng lần nào đó, ngang qua thị xã mới này, hãy dừng ở sâu những con hẻm, để nghe ở đó, những hương vị đặc biệt của một vùng đất đặc biệt. Có thể bạn sẽ nghe ra mùi đất sét nâu sồng bằng khói bếp nung từ lò gốm của Lê Đức Hạ, hay mùi tre trúc đang nổ lách tách trên những bếp than hồng của bà mẹ làng Triêm Tây, hay cả mùi vị tươm lên nơi đầu lưỡi ngay lần ngửi thấy đầu của những gánh mỳ Phú Chiêm ở phía này sông… Nhiều lắm, nếu bạn chịu khó để lòng mình mở ra, đón nhận. Còn riêng mình, tôi sẽ dắt bạn theo hương của gỗ, ở chính cái đất trăm nghề trăm nghiệp, dày dặn dấu tích này.


     Nhà của Vĩnh, xưởng của cha con nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp, hay từ Âu Lạc ở doi đất Gò Nổi, cả cơ sở gỗ mỹ nghệ của chàng trai khuyết tật Lê Tiến Vỹ, hay chỉ mới vừa ra riêng như Nguyễn Văn Long… đủ làm nên một xứ mộc mỹ nghệ, mà có lẽ, mai này sẽ được nhắc tên trên bản đồ ưa đi của những kẻ mê khám phá. Ở đây, người ta không chỉ được nhìn ngắm những vuông gỗ thẳng thớm nên hình nên dạng, nên cả tác phẩm nghệ thuật, mà còn được nghe thấy bao nhiêu thanh âm sống động, được chứng kiến những đôi tay thô mộc nhưng lại vô cùng tài hoa. Trong thế giới của cưa bào, khi những người đàn ông chạm tay vào những thớ gỗ và tạo hình cho nó, thì mọi vụn vặt đời thường cũng sẽ như những dăm bào, mụn cưa. Nó chẳng là gì nữa khi gỗ hình thành nên những sản phẩm. Và không chỉ với những người thành danh ngay trên đất quê hương, người ở vùng đất này đa số như vậy, họ thành tài thành danh khắp mọi quê xứ, nhưng khi trở về phía nguồn cội, là một đứa con xa khiêm nhường nhìn vùng đất trở mình. Chiều cuối năm, tôi ngồi ở café của nhạc sĩ Đinh Trầm Ca, nghe mùi hoa cau giăng mắc, nghe ông ca “Ru con tình cũ” bằng làn hơi muộn mằn của người có tuổi, tự mình làm một cuộc kiểm đếm cuộc đời, rồi nhận ra đến cuối cùng người chọn điểm dừng ở quê nhà, thì mới thấy hết cái ý niệm thiêng liêng của hai từ quê hương.

Trở lại với hương gỗ trong tâm tưởng, tôi về tìm nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp. Ông có lẽ là người làm nghề có danh vị và được trọng vọng ở số đông những người dân địa phương. Ông nói vì mình được nuôi dưỡng và chưng cất trong cái mê hoặc của hoa văn mộc truyền thống ngay từ những ngày tuổi nhỏ, nên nghiệp này đủ tròn trịa những bao dung để mới có một Nguyễn Văn Tiếp chưa bao giờ hờn giận những thời đoạn khốn khó. Căn xưởng đầu tiên, cũng là ngôi nhà của mình, là nơi an ổn để cất cánh cho những mê say thành hình, cũng là nơi an toàn hơn hết để những đăm chiêu nghề nghiệp trút bỏ muộn phiền. Làm nghề là phương thức giản tiện nhất để Nguyễn Văn Tiếp diễn ngôn ý tứ của mình, tự sự chính mình và bày tỏ mình. Ông miệt mài, từ những vì kèo, trính, cột để đơn độc gom nhặt nên một căn nhà. Ông say sưa, từ đường nét hoa văn nhỏ nhất, để góp tiếng thành mộc mỹ nghệ, đưa đến đời thường. Và có lẽ những người con hiểu được tâm tính của cha, nên mới trở về căn xưởng ven sông Thu, vun vén để nên một cơ ngơi nghề nghiệp, mà hương sắc của nó tỏa lan đi khắp mọi quê chốn. 

Nếu bạn còn chần chừ vì những xưởng mộc bày biện trên quê hương này, vẫn chưa có gì đặc sắc, thì tôi sẽ dắt bạn tìm đến Nguyễn Văn Vĩnh – một anh chàng chân chất, từ tốn nhưng lại say sưa vô cùng những thanh gỗ trầm. Ở Vinahouse Space – một Không gian Nhà Việt đặc biệt, Vĩnh bày ra đó những ngôi nhà gỗ nâu mộc, với những câu chuyện đời thực dung dị, những hoài niệm quê nhà mà bất cứ ai cũng đeo mang. Và dĩ nhiên, càng giản dị mộc mạc, càng mang hơi hướm của những ám ảnh ấu thơ, càng dễ khiến người ta xúc động. Trong buổi chiều muộn, khi nắng vừa tắt trên mái tranh xưa, khi khói vừa hun bay lên sau chái nhà, bỗng dưng những xúc cảm xưa xa ùa về. Hay buổi đầu ngày, khi nắng vàng vừa kịp trải ấm trên những tàn cây xanh, khi gió lùa chậm rãi dọc những lối đi, tường lang, người biết lòng mình đã vừa trở về… Cứ vậy, Vinahouse của Vĩnh đủ bình lặng để người biết da diết chuyện quê hương, và cả chuyện những nếp nhà, còn mất…


     Đã đủ chưa, để bạn làm một cuộc đi như tôi, để lòng mình trôi theo cái hương gỗ mà dung dăng khắp quê xứ này? Hay bạn còn muốn thắc mắc thêm về câu chuyện “đồng dao bằng gỗ” mà cái anh chàng vùng Gò Nổi kia tham lam muốn chuyển đến người mộ điệu. Những chuyện cổ tích Việt Nam, chuyện Thánh Gióng đánh giặc, chuyện trong những câu hát à ơi xưa kia của bà của mẹ, Trần Thu và Nguyễn Viết Linh – hai người đàn ông chưa bao giờ rời bỏ quê hương, đã kể cho người nghe gần chục năm nay. Bây giờ, họ đã có thêm nhiều thế hệ tiếp nối, để say sưa cảm hứng quê nhà trên từng thớ gỗ…

Ở đây, ngay thời khắc giao mùa, dẫu bước chân đứng ở chốn thị thành, tôi vẫn nghe vương vất mùi hương của gỗ. Chắc bởi trong lòng mình, tôi đã chắt chiu vẹn tròn hương vị đó. Hay bởi người tri kỷ bên cạnh, đã một lòng mang theo quê nhà trên khắp mọi chặng mưu sinh? 

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam Vinahouse - Khởi công xây dựng Dinh Trấn Mì Quảng.
Thách thức ở làng nghề đan đát An Thanh
Các tin cũ hơn:
Theo bước chân gánh mì Phú Chiêm
Chàng trai khuyết tật làm giàu trên “đôi chân gỗ”.
"Không gian nhà Việt Nam: Bảo tàng - Làng nghề truyền thống - Trạm dừng chân"
  
 
 
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về giao diện của cổng thông tin này
Liên kết Web
Lượt truy cập